TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 105 NĂM NGÀY SINH VÀ 70 NĂM NGÀY HY SINH CỦA ANH HÙNG LIỆT SĨ DƯƠNG MINH CHÂU

Thứ hai - 27/02/2017 13:55 299 0
TIỂU SỬ VÀ CUỘC ĐỜI HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA ANH HÙNG LIỆT SĨ DƯƠNG MINH CHÂU Dương Minh Châu sinh ngày 9/3/1912 tại làng Ninh Thạnh, tổng Hoà Ninh, huyện Châu Thành (nay là phường 1, Thị xã Tây Ninh). Ông là con thứ tám của thầy giáo Dương Minh Đặng - một trí thức yêu nước nổi tiếng ở Tây Ninh. Thuở nhỏ, Ông đã là một học sinh xuất sắc, khi học tại Trường Lyce'e Petrus Trương Vĩnh Ký (nay là trường THPT Lê Hồng Phong - Tp. Hồ Chí Minh).

TIỂU SỬ VÀ CUỘC ĐỜI HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA

ANH HÙNG LIỆT SĨ DƯƠNG MINH CHÂU

 

Dương Minh Châu sinh ngày 9/3/1912 tại làng Ninh Thạnh, tổng Hoà Ninh, huyện Châu Thành (nay là phường 1, Thị xã Tây Ninh). Ông là con thứ tám của thầy giáo Dương Minh Đặng - một trí thức yêu nước nổi tiếng ở Tây Ninh. Thuở nhỏ, Ông đã là một học sinh xuất sắc, khi học tại Trường Lyce'e  Petrus Trương Vĩnh  Ký (nay là trường THPT Lê Hồng Phong - Tp. Hồ Chí Minh).

Năm 1926, trong lúc theo học trung học tại Sài Gòn, ông đã tham dự các cuộc bãi khóa, truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Sau cuộc bãi khóa này, ông bị đuổi học một thời gian.

Đầu năm 1930, ông ra Hà Nội học Trường Cao đẳng Luật Hà Nội.

Năm 1936, Ông được giới sinh viên bầu làm Hội trưởng Tổng hội Sinh viên Đông Dương, chủ nhiệm tuần báo sinh viên tiếng Pháp để bênh vực cho quyền lợi học sinh, sinh viên và đi dạy tư. Cùng thời gian này, ông làm bạn với các nhà cách mạng như: Phạm Văn Bạch, Ung Văn Khiêm, Phan Anh, Trần Đắc Nghĩa…

Năm 1938, ông tốt nghiệp Cử nhân và là thủ khoa của khoa Luật trường Cao đẳng Luật Hà Nội. Nhà cầm quyền Pháp tìm mọi cách dụ dỗ ông gia nhập quốc tịch Pháp và hứa bổ nhiệm ông làm Phó Tham Biện ở một tỉnh miền Nam hoặc đưa sang Pháp học tiếp lấy bằng Tiến sĩ, nhưng ông từ chối, sang Cam - pu - chia làm Tham tán lục sư ở Toà án Nam Vang (Nông - Pênh). Cũng năm 1938, ông lập gia đình với bà Cao Thị Tuyết, dòng dõi Cao Bá Quát. Ông còn tham gia viết báo tiếng Việt, tuyên truyền vận động Kiều bào hướng về Tổ quốc.

Sau khi Pháp quay lại xâm lược nước ta lần thứ hai, Nam bộ kháng chiến. Sự kiện đó tác động đến tinh thần yêu nước của ông và một số trí thức Việt kiều. Ông đưa vợ con về Tây Ninh trước, sau đó, ông cùng một số bạn bè công chức về Đồng Tháp Mười đến Uỷ ban hành chánh Kháng chiến Nam Bộ xin về Tây Ninh phục vụ cách mạng. Tại Tây Ninh, ông là cầu nối quan trọng trong việc tạo nên mối liên kết trong các lực lượng kháng chiến, các tầng lớp nhân dân nhằm động viên mọi người đoàn kết chung lo việc cứu nước. Với uy tín của mình, Ông cũng đã tuyên truyền, vận động kêu gọi được rất nhiều viên chức, trí thức của tỉnh nhà hướng về kháng chiến.

Đầu năm 1946, ông được kết nạp vào Đảng Cộng Sản.

Tháng 5/1946, Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh được thành lập và củng cố. Ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Tây Ninh và Đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Với mục tiêu đại đoàn kết, ông đã cùng với các đồng chí nguyễn Hữu Dụ (Trung đoàn Phó Trung đoàn 311, sau này là Bí thư tỉnh uỷ Tây Ninh), Trần Văn Mạnh (Quốc gia Tự vệ Cuộc), Trần Văn Đẩu (Trung đoàn Phó Trung đoàn 311) vào Qui Thiện gặp đại diện tôn giáo Cao Đài: Hộ pháp Phạm Công Tắc.  Ông đã vạch trần âm mưu thâm độc của thực dân Pháp xâm lược "dùng giáo dân Cao Đài đánh Việt Minh", "dùng người Việt giết người Việt" và kêu gọi những người lãnh đạo Cao Đài cùng hợp tác kháng Pháp, giành lại độc lập cho nước nhà.

Nhưng cuộc thương thảo không thành, ông cùng với đoàn về đến Căn cứ Bến Cây Chò, Châu Thành thì bất ngờ bị Pháp mở trận càn quét lớn vào căn cứ kháng chiến. Ông đã anh dũng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và hy sinh vào ngày 7/2/1947.

Sau khi ông mất, nhiều cuộc mít tinh, truy điệu được tổ chức để tỏ lòng tiếc thương người con trung kiên của quê hương Tây Ninh. Ngày 25/4/1949, Luật sư Dương Minh Châu đã được Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Truy tặng ông Dương Minh Châu – Nam bộ. Được cử vào UBKC tỉnh Tây Ninh trong những lúc đặc biệt khó khăn, đã có công chấn chỉnh bộ máy hành chính tỉnh. Một nhân viên chỉ huy sáng suốt , khiên tốn , can đảm và có trách nhiệm, đã anh dũng hy sinh ngày 7/2/1947".

Để tưởng nhớ đến ông, Tỉnh uỷ và uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh Tây Ninh đã quyết định đặt tên cho huyện căn cứ mới thành lập vào năm 1951: Huyện Căn cứ Dương Minh Châu.

Đến 1990 hài cốt của đồng chí được Đảng bộ, chính quyền và gia đình đưa về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Tây Ninh.

Ngày 31/7/1998, ông Dương Minh Châu được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Năm 2004, Đảng bộ và nhân dân huyện Dương Minh Châu đã long trọng tổ chức Lễ khánh thành tượng đài Anh hùng liệt sĩ Dương Minh Châu, để cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện nhà mãi mãi ghi nhớ công ơn của người anh hùng mà huyện được mang tên.

Năm 2007, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã quyết định xây dựng Di tích Khu Lưu niệm Dương Minh Châu và công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh tại Căn cứ bến Cây Chò nay thuộc ấp Gò Nổi, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay713
  • Tháng hiện tại39,860
  • Tổng lượt truy cập1,933,298
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây