Sổ tay: Hỏi – Đáp các các hình thức xử lý hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid - 19

Thứ ba - 14/04/2020 14:16 738 0
Sổ tay: Hỏi – Đáp các các hình thức xử lý hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid - 19

Hỏi – Đáp các các hình thức xử lý hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid - 19

   1. Hỏi: Theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ,từ 0 giờ ngày 01/4/2020 quy định không tập trung quá 02 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng. Xin hỏi những trường hợp không chấp hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ mà cố tình tụ tập đông người, pháp luật xử lý hành vi này như thế nào?

Trả lời:

Đối với những trường hợp cố tình tụ tập đông người sau khi đã có quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người của cơ quan có thẩm quyền, pháp luật có chế tài xử phạt khá nghiêm khắc. Cụ thể, tại điểm c, khoản 4, Điều 11 của Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định như sau:

Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi: Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người.

Để tránh bị xử phạt, người dân cần ghi nhớ lệnh không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng trong vùng có dịch sẽ bắt đầu trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 01/4/2020.

  1. Hỏi: Không chấp hành yêu cầu đeo khẩu trang nơi công cộng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Quyết định số 07/2020/QĐ-TTg ngày 26/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ thì bệnh Covid-19 thì được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Đối chiếu quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì những người không đeo khẩu trang nơi công cộng có dấu hiệu vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 7 Điều 8 của Luật này. Cụ thể, điều khoản này nghiêm cấm hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Cụ thể, tại điểm a, khoản 1, Điều 11 của Nghị định này quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Ngoài ra, nếu người bị dịch bệnh, không đeo khẩu trang mà làm lây lan vi rút Covid-19 cho người khác còn có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Cụ thể, trường hợp vi phạm dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế và/hoặc làm chết người, thì có thể sẽ bị phạt tù lên đến 10 năm. Trường hợp vi phạm dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, làm chết 2 người trở lên, thì có thể sẽ bị phạt tù lên đến 12 năm.

  1. Hỏi: Sau khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn nhưng trên thực tế vẫn còn một số cơ sở kinh doanh dịch vụ nằm trong danh mục yêu cầu tạm đình chỉ của cơ quan có thẩm quyền vẫn hoạt động trong thời gian bị yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động. Xin hỏi, trường hợp này xử lý như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại điểm c, khoản 4, Điều 11 của Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế: Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi: Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.

Như vậy, cơ sở kinh doanh dịch vụ nằm trong danh mục yêu cầu tạm đình chỉ của cơ quan có thẩm quyền vẫn hoạt động trong thời gian bị yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

Đồng thời, theo Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã hướng dẫn TAND các cấp xét xử trường hợp này như sau: “ Chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán bar, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát – xa, cơ sở thẩm mỹ …) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng, chống dịch bệnh Covid – 19 của cơ quan, người có thẩm quyền, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 .

Điều 295 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định mức phạt tù thấp nhất là 01 năm, cao nhất là 12 năm. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

  1. Hỏi: Vừa qua, có nhiều trường hợp người bị nhiễm vi rút Covid – 19 từ các vùng tâm dịch trở về Việt Nam nhưng đã cố tình không khai báo hoặc không khai báo trung thực về tình hình nhiễm dịch bệnh của bản thân đã làm lây lan cho nhiều người. Xin hỏi, những trường hợp này bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 9 của Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng đối với hành vi: Không khai báo hoặc khai báo không trung thực, kịp thời diễn biến bệnh truyền nhiễm của bản thân với thầy thuốc, nhân viên y tế được giao nhiệm vụ;

Đồng thời, cơ quan chức năng có căn cứ cho thấy nếu bệnh nhân cố tình giấu thông tin dẫn đến hậu quả bệnh dịch lây lan hoặc có người chết do bị lây nhiễm, thì có thể khởi tố những trường hợp này về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người quy định tại Điều 240 của Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Theo tinh thần Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã hướng dẫn TAND các cấp xét xử trường hợp này như sau:

Đối với người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid – 19 đã được thông báo cách ly thực hiện hành vi không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch bệnh Covid – 19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại Điểm c, Khoản 1 Điều 240 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

  1. Hỏi: Đối với những trường hợp bị nhiễm Covid – 19 đã được điều trị khỏi, sau khi ra khỏi cơ sở khám, chữa bệnh không đến trạm y tế xã, phường, thị trấn để đăng ký theo dõi sức khỏe có bị xử lý không?

Trả lời:

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 9 của Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng đối với hành vi: Không đăng ký theo dõi sức khỏe với trạm y tế xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là trạm y tế xã) nơi cư trú của người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sau khi ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Như vậy, đối với những trường hợp bị nhiễm Covid – 19 đã được điều trị khỏi, sau khi ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải đến trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi mình thường trú hoặc tạm trú để đăng ký theo dõi sức khỏe và bệnh nhân sẽ tiếp tục tự cách ly tại gia đình theo hướng dẫn của cơ quan y tế, nếu không thực hiện sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng.

  1. Hỏi: Hành vi thông tin giả mạo, sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid – 19 gây dư luận xấu bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018 nghiêm cấm hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

- Người cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng (Quy định tại điểm a khoản 3 Điều 64 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện).

Đối với trường hợp cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng quy định tại điểm g khoản 3 Điều 66 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Từ ngày 15/4/2020 (ngày Nghị định số 15/2020/NĐ-CP có hiệu lực) các cá nhân có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân hoặc cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng được quy định tại điểm a và điểm d khoản 1 Điều 101 của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Đồng thời, tại khoản 3 Điều 101 của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.

Theo Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã hướng dẫn TAND các cấp xét xử trường hợp này như sau:

Người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid – 19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

  1. Hỏi: Người có hành vi đưa trái phép thông tin cá nhân, bí mật đời tư xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác liên quan tới dịch bệnh Covid-19 thì bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi để xử lý. Cụ thể:

- Xử lý vi phạm hành chính: Theo quy định tại điểm g, khoản 3, Điều 66 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định: Người nào có hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

- Xử lý hình sự: Theo Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã hướng dẫn TAND các cấp xét xử trường hợp này như sau:

Người có hành vi đưa trái phép thông tin cá nhân, bí mật đời tư xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế, người tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid – 19, người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh Covid – 19 thì bị xử lý về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

  1. Hỏi: Đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh Covid-19 có bị xử lý không?

Trả lời:

Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi để xử lý. Cụ thể:

- Xử lý hành chính:

Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 10 của Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế: Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh Covid -19.

Như vậy đối với người có hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh Covid-19 sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

- Xử lý hình sự:

Theo tinh thần Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã hướng dẫn TAND các cấp xét xử trường hợp này như sau:

Đối với người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid – 19 đã được thông báo cách ly thực hiện hành vi từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly gây lây truyền dịch bệnh Covid – 19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 240 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Người chưa bị xác định mắc bệnh Covid – 19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện hành vi từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

  1. Hỏi: Người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh Covid-19 để mua vét hàng hóa bán lại thu lời bất chính bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Theo  quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 của Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: Người nào có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50 triệu đến dưới 100 triệu đồng nhằm bán lại thu lợi bất chính khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc diễn biến bất thường khác sẽ bị xử phạt hành chính từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

Tùy vào giá trị hàng hóa mua vét, mua gom quy định tại khoản 2, 3, 4, 5 của Điều này mà có mức phạt tương ứng. Mức phạt tiền cao nhất của hành vi này là 100 triệu đồng.

Bên cạnh đó, tại khoản 6 Điều này còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm; tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 06 tháng hoặc đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm; đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Khoản 7 Điều này còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Điều 17 của Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn quy định về mức xử phạt đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, bán hàng hóa bất hợp lý thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, bán hàng hóa bất hợp lý.

Theo Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã hướng dẫn TAND các cấp xét xử trường hợp này như sau: Người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh Covid – 19 để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị xử lý về tội đầu cơ theo quy định tại Điều 196 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

  1. Hỏi: Xin cho biết thẩm quyền xử phạt các hành vi nêu trên?

Trả lời:

a- Đối với các hành vi vi phạm theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế

Căn cứ vào mức phạt tiền để xác định thẩm quyền xử phạt như sau:

- Chủ tịch UBND cấp xã: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 5.000.000 đồng.

- Chủ tịch UBND cấp huyện: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 25.000.000 đồng.

- Chủ tịch UBND cấp tỉnh: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 50.000.000 đồng.

- Thanh tra y tế:

+ Thanh tra viên: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 500.000 đồng.

+ Chánh thanh tra Sở Y tế: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 25.000.000 đồng.

+ Chánh thanh tra Bộ y tế: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 50.000.000 đồng.

b- Đối với các hành vi vi phạm theo Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn.

Căn cứ vào mức phạt tiền để xác định thẩm quyền xử phạt như sau:

- Trưởng Đoàn Thanh tra chuyên ngành giá phạt tiền đến 200 triệu đồng.

- Chánh Thanh tra Sở Tài chính phạt tiền đến 50 triệu đồng.

- Người có thẩm quyền của cơ quan quản lý thị trường quy định tại Điều 45 Luật Xử lý vi phạm Hành chính 2012.

- Chủ tịch UBND cấp huyện:  Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng nhưng không quá 50 triệu đồng;

- Chủ tịch UBND cấp tỉnh: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực tương ứng.

c- Đối với các hành vi vi phạm theo Nghị định số 185/2013/NĐ-CP, ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 5 triệu đồng;

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 50 triệu đồng;

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến mức tối đa theo quy định tại Nghị định này.

- Thẩm quyền của lực lượng Công an nhân dân, Quản lý thị trường, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Thanh tra chuyên ngành thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong các Nghị định nêu trên.

d- Đối với các hành vi vi phạm theo Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện và Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (áp dụng từ ngày 15/4/2020).

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền không vượt quá 100.000.000 đồng;

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền không vượt quá 200.000.000 đồng;

- Thẩm quyền xử phạt của lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong Nghị định số 174/2013/NĐ- CP và Nghị định số 15/2020/NĐ-CP (áp dụng từ ngày 15/4/2020).

  1. Hỏi: Xin cho hỏi: Cơ sở và nguyên tắc nào để tiến hành việc xử phạt vi phạm hành chính?

Trả lời:

Cơ sở tiến hành việc xử phạt vi phạm hành chính: Xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng đối với chủ thể vi phạm hành chính. Hay nói cách khác, vi phạm hành chính là cơ sở để xử phạt vi phạm hành chính. Hành vi bị coi là vi phạm hành chính phải được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Nguyên tắc xử phạt: Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, khi tiến hành việc xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt cần tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

- Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.

- Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật.

- Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng.

- Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.

Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.

Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.

Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm.

- Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.

- Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Ngoài ra, khi tiến hành xử phạt đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính, bên cạnh các nguyên tắc chung được quy định tại Điều 3 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt cũng cần phải lưu ý áp dụng thêm các nguyên tắc riêng quy định tại Điều 134 của Luật Xử lý vi phạm hành chính:

- Việc xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Trong quá trình xem xét xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên.

- Việc xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính còn căn cứ vào khả năng nhận thức của người chưa thành niên về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm, nguyên nhân và hoàn cảnh vi phạm để quyết định việc xử phạt.

- Việc áp dụng hình thức xử phạt, quyết định mức xử phạt đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính phải nhẹ hơn so với người thành niên có cùng hành vi vi phạm hành chính, cụ thể là:

+ Trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì không áp dụng hình thức phạt tiền.

+ Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền thì mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên; trường hợp không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay.

- Trong quá trình xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính, bí mật riêng tư của người chưa thành niên phải được tôn trọng và bảo vệ.

- Các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính phải được xem xét áp dụng khi có đủ các điều kiện quy định. Việc áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính không được coi là đã bị xử lý vi phạm hành chính.

  1. Hỏi: Chủ thể tiến hành việc xử phạt vi phạm hành chính được quy định như thế nào?

Trả lời:

Việc xử phạt vi phạm hành chính phải do người có thẩm quyền thực hiện theo quy định pháp luật. điểm b khoản 1 Điều 3 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định nguyên tắc “đúng thẩm quyền” trong xử phạt vi phạm hành chính. Vi phạm nguyên tắc này chính là vi phạm điều cấm tại khoản 5 Điều 12 của Luật.

Hiện nay, chủ thể có thẩm quyền xử phạt được quy định tại các điều từ Điều 38 đến Điều 51 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (chưa kể các chức danh có chức năng, nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành do Chính phủ quy định). Luật chỉ quy định liệt kê các chức danh có thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền áp dụng các hình thức xử phạt, mức xử phạt tiền, thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả của các chức danh để trên cơ sở đó, Chính phủ quy định cụ thể hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với từng vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước (Điều 4 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012).

  1. Hỏi: Xin cho hỏi trình tự, thủ tục tiến hành việc xử phạt vi phạm hành chính được quy định như thế nào?

Trả lời:

Trình tự, thủ tục tiến hành việc xử phạt vi phạm hành chính như sau:

Việc xử phạt vi phạm hành chính phải được người có thẩm quyền tiến hành theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Theo quy định tại khoản 5 Điều 12 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, thì việc xử phạt không đúng trình tự, thủ tục chính là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.

Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Mục 1 Chương III Phần thứ hai của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (từ Điều 55 đến Điều 68). Theo đó, có hai loại thủ tục xử phạt vi phạm hành chính: Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản (thủ tục đơn giản) và thủ tục xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính (thủ tục thông thường). Cụ thể như sau:

- Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 56 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 là loại thủ tục xử phạt không lập biên bản, được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ. Thông thường thủ tục xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng đối với những vi phạm đơn giản, rõ ràng, không có tình tiết phức tạp cần phải xác minh thêm. Việc quy định thủ tục xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản nhằm giải quyết nhanh chóng đối với những vụ vi phạm loại này và khắc phục tình trạng nhiều vụ vi phạm nhỏ cũng phải chuyển lên cấp trên để xử phạt, dẫn đến dồn quá nhiều việc cho cấp trên.

- Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính: Theo quy định tại Điều 57 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì thủ tục này được áp dụng đối với tất cả những vi phạm hành chính không thuộc trường hợp xử phạt vi phạm hành chính theo thủ tục không lập biên bản. Điều này có nghĩa là, trường hợp hành vi vi phạm bị phạt tiền từ trên 250.000 đồng trở lên đối với cá nhân và từ trên 500.000 đồng trở lên đối với tổ chức thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải áp dụng thủ tục xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính.

Việc xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản phải được người có thẩm quyền xử phạt lập thành hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính.

Hồ sơ bao gồm:

+ Biên bản vi phạm hành chính,

+ Quyết định xử phạt hành chính,

+ Các tài liệu, giấy tờ có liên quan và phải được đánh bút lục.

  1. Hỏi: Xin cho hỏi hình thức thể hiện việc xử phạt vi phạm hành chính được quy định như thế nào?

Trả lời:

Hình thức thể hiện việc xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:

Kết quả của hoạt động xử phạt vi phạm hành chính thể hiện ở việc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền để ghi nhận các chế tài hành chính (các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả) áp dụng đối với chủ thể vi phạm hành chính.

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải được ban hành theo đúng thể thức và kỹ thuật trình bày, đúng các biểu mẫu do pháp luật quy định. Hiện nay, tại Phụ lục một số biểu mẫu trong xử lý vi phạm hành chính ban hành kèm theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính có quy định 02 mẫu quyết định xử phạt vi phạm hành chính:

- Mẫu quyết định số 01 (MQĐ01) - Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thủ tục xử phạt không lập biên bản.

- Mẫu quyết định số 02 (MQĐ02) - Quyết định xử phạt vi phạm hành chính (theo thủ tục có lập biên bản, hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, dùng cho cả trường hợp một hoặc nhiều cá nhân/tổ chức thực hiện một hoặc nhiều hành vi vi phạm hành chính).

  1. Hỏi: Xin cho hỏi nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong xử phạt vi phạm hành chính được quy định như thế nào?

Trả lời:

Nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được thực hiện theo quy định tại Điều 52 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.


File dính kèm

Tác giả: UBND huyện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập8
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm3
  • Hôm nay1,515
  • Tháng hiện tại3,097
  • Tổng lượt truy cập1,954,061
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây