Nhớ mãi tấm gương bất tử của nhà trí thức cách mạng anh hùng Liệt sỹ Dương Minh Châu

Thứ hai - 06/02/2017 13:47 1.876 0
Kỷ niệm 105 năm Ngày sinh (9/3/1912 – 9/3/2017) và 70 năm Ngày hy sinh (7/2/1947 – 7/2/2017) của Anh hùng liệt sĩ Dương Minh Châu
Kỷ niệm 105 năm Ngày sinh (9/3/1912 – 9/3/2017) và 70 năm Ngày hy sinh (7/2/1947 – 7/2/2017) của Anh hùng liệt sĩ Dương Minh Châu

DMC2222.png

Ảnh: Anh hùng Liệt sỹ Dương Minh Châu

 

         Dương Minh Châu, tên gọi hết sức quen thuộc của một miền đất vùng căn cứ cách mạng, của những ngôi trường và những con đường ở Tây Ninh đến nay đã trở thành tình cảm cao quý và những địa chỉ thân thương trong tâm khảm của người dân Tây Ninh và người dân trên quê hương mang tên ông. Bởi vì người liệt sĩ, anh hùng ấy, người trí thức cách mạng chân chính ấy, đồng chí Dương Minh Châu, người con của quê hương Tây Ninh mà 66 năm trước, tên ông đã trở thành tên gọi của miền đất căn cứ địa cách mạng: huyện Dương Minh Châu; đã trở thành một biểu tượng tuyệt với, một tấm gương bất tử thể hiện tình yêu Tổ Quốc và ý chí bất khuất của con người Tây Ninh trong lịch sử đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc.

       Năm 2004, tượng đài Anh hùng liệt sĩ Dương Minh Châu được dựng lên giữa trung tâm trụ sở làm việc của HĐND - UBND huyện Dương Minh Châu như một lời nhắc nhở thế hệ hậu sinh hãy tự soi mình vào cuộc đời hào hùng của ông để giữ gìn cách sống của mình.

"Sừng sửng

Dáng anh

Ngẫng đầu và vươn cao, cao ngất

Giữa đất trời căn cứ địa bình yên

Dáng một cuộc đời tạc theo tầm vóc

Núi Bà Đen, gương mặt quê mình.."

     (Bên tượng đài người anh hùng Dương Minh Châu-PKS)

 

123.png

          Ảnh: Ngày khánh thành tượng đài AHLS DMC (bà quả phụ DMC cùng gia đình). 

 

        Tôi hết sức xúc động, hết sức tự hào và viết nên những dòng thơ ấy như một một nén hương lòng của một đồng chí, đồng hương kính dâng lên ông đễ mãi mãi tưởng nhớ ông trên hành tình tiếp nối con đường tươi sáng mà ông đã chọn.

          Dương Minh Châu sinh ngày 9/3/1912 tại làng Ninh Thạnh khi ấy thuộc quận Châu Thành, tổng Hòa Ninh (Ninh Thạnh là một trong 7 làng thuộc tổng Hòa Ninh). Sau năm 1975, thuộc địa phận 2 ấp Thái Ninh và Thái Vĩnh Đông (xã Thái Hiệp Thạnh, quận Phú Khương). Hiện nay địa phận ấy thuộc khu phố 1 và 2 Phường I, Thị xã Tây Ninh. Thân phụ của ông là cụ Dương Minh Đặng, một nhà giáo có nền nếp và có tiếng tâm trong hoạt động giáo dục tại Tây Ninh lúc bấy giờ và ông là người con thứ tám trong gia đình. Thầy giáo Dương Minh Đặng còn là dưỡng phụ của ông Quốc Biểu, Nguyễn Cư Hiến, một nho sĩ giàu lòng yêu nước là người sáng lập Văn đàn Quốc Biểu, quy tụ các bạn thơ tiến bộ, sử dụng thơ văn cổ động nhân dân Tây Ninh chống thực dân Pháp. Văn đàn thường họp mặt tại Gò Chẹt, một gò đất bên bờ rạch Tây Ninh vào Chủ Nhật hằng tuần. Văn đàn Quốc Biểu chính là tiền thân của phong trào sáng tác thơ văn ở Tây Ninh. Khẳng định rõ nét miền đất Thị xã Tây Ninh chính là đầu nguồn của văn học Tây Ninh hiện nay. Trước 1975 con đường chính ngang qua ấpThái Ninh mang tên ông Dương Minh Đặng (nay là đường Trần Hưng Đạo). Trưởng thành từ sự giáo huấn của một gia đình trí thức, luôn giữ cách sống trong sạch, mẫu mực cậu học trò Dương Minh Châu luôn thể hiện bản chất thông minh, hiếu học và luôn là học sinh xuất sắc. Sau bậc tiểu học tại Trường Tiểu học Tây Ninh, ông tiếp tục theo học bậc trung học tại trường Trung học Pétrus Ký (Sài Gòn) từ cuối những năm 20 của thế kỷ trước. Năm 1926, ông từng tham gia phong trào yêu nước của sinh viên, học sinh và giáo chức Sài Gòn; tổ chức bãi khóa, truy điệu, bày tỏ lòng khâm phục và tưởng nhớ nhà yêu nước Phan Châu Trinh. Hành động chứng tỏ tinh thần yêu nước của ông đã khiến ông bị nhà trường đuổi học một thời gian. Sau khi đậu Tú tài, hoàn tất bậc trung học đầu những năm 1930, ông được cấp học bổng và trở thành sinh viên khoa Luật Trường Cao đẳng Luật khoa Hà Nội. Năm 1936, ông được giới sinh viên bầu làm Hội trưởng Tổng hội sinh viên Đông Dương và tham gia viết báo nhằm tích cựcđấu tranh bảo vệ lơi ích của sinh viên, học sinh Việt Nam. Năm 1938, ông tốt nghiệp Cử nhân và là thủ khoa của khoa Luật. Sau đó ông làm Tham tá lục sự tại Tòa Án Phnom-Pênh (Cambodia). Lúc ấy nhà cầm quyền Pháp tìm đủ mọi cách để mua chuộc ông nhập quốc tịch Pháp với nhiều hứa hẹn nâng cao quyền lực, bổng lộc cũng như sẽ tạo điều kiện để ông tiếp tục trở thành tiến sỹ nhưng luật sư Dương Minh Châu vẫn kiên quyết chối từ để được sống theo cách sống tốt đẹp của người trí thức tiến bộ. Trong thời gian làm việc ở xứ người ông đã bí mật tham gia các hoạt động yêu nước, tích cực quan hệ với các tổ chức cách mạng nhất là trong giai đoạn Nam Kỳ khởi nghĩa cũng như tiếp tục viết báo vận động đồng bào Việt kiều thể hiện tinh thần yêu nước, sẳn sàng trở về Tổ Quốc cầm súng đánh giặc.

     Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, luật sư Dương Minh Châu hoạt động trong Mặt trận Việt Minh và tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền tại quê hương Tây Ninh. Ông đã góp phần đáng kể xây dựng cơ cở in ấn đầu tiên trong tỉnh. Năm 1946, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và trở thành Đại biểu Quốc hội Khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ tháng 5-1946 Ủy Ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Tây Ninh ra đời và ông được cữ vào chức vụ Chủ Tịch. Cuối tháng Giêng năm 1947, ông tham gia đoàn đại biểu của Mặt trận Việt Ninh đến Tòa thánh Tây Ninh vả gặp những vị lãnh đạo của đạo Cao Đài để vạch trần âm mưu thâm độc của thực dân Pháp lợi dụng tôn giáo phục vụ chiến tranh xâm lược của chúng. Ông đã kêu gọi chức sắc, tín đồ Cao Đài tham gia kháng chiến quét sạch kẻ thù.

     Ngày 07/02/1947 trong một trận càn của Pháp, ông đã chiến đấu dũng cảm đến hơi thở cuối cùng tại khu căn cứ kháng chiến bến Cây Chò (xã Ninh Điền-Châu Thành). Luật sư Dương Minh Châu hy sinh khi mới vừa 35 tuổi đời. Mặc dù cuộc sống quá ngắn ngủi nhưng ông đã cống hiến xứng đáng tuổi trẻ của mình vào cuộc đấu tranh của toàn dân tộc quét sạch kẻ thù chung, đập tan xích xiềng nộ lệ. Ông đã góp máu xương để tô thắm những trang sử truyền thống hào hùng của quê hương Tây Ninh anh hùng.

      Năm 1951, huyện căn cứ vùng phía Đông - Bắc tỉnh Tây Ninh được thành lập và mang tên Dương Minh Châu. Ngày 31/7/1998 Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã truy tặng liệt sỹ Dương Minh Châu danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang.

"Cho tôi tiếp bước anh rầm rập những đoàn quân

Để hiểu sâu xa cái đẹp thật của con người trí thức

Là biết chọn con đướng chân chính nhất….."

(Bên tượng đài người anh hùng Dương Minh Châu-PKS)

          Vâng! đã 70 năm rồi người anh hùng ấy không còn nữa nhưng ông mãi mãi bất tử trong trái tim đồng chí, đồng bào cả nước và quê hương Tây Ninh nầy. Ông đã để lại cho thế hệ hậu sinh một cách sống tiêu biểu của tuổi trẻ, của con người trí thức Việt Nam yêu nước là cả cuộc đời mình luôn tận tụy với sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của toàn dân, biết quên mình vì Đảng, vỉ dân, vì lý tưởng cộng sản cao đẹp mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn.

          Hãy soi vào ông và hãy tự hỏi lòng mình, nào các bạn trẻ thân mến ơi!

"Sừng sững

Dáng anh

Thế đứng người anh hùng

Một thế hệ hiên ngan, bất khuất

Góp dòng máu thắm hồng

Nối trang sử chiến công sáng rực

Nghĩ về ông tôi tự hỏi lòng mình thành thực

Cách sống của mình đã xứng đáng với tiền nhân?

Nhớ về anh tôi có vững đôi chân

Đi tới chân trời tương lai mơ ước?"

(Bên tượng đài người anh hùng Dương Minh Châu-PKS)

       Nhớ ông, nhớ từ 100 năm về trước với những nét son từ thời thơ ấu chăm ngoan, đến thời tuổi trẻ sôi nổi và cả cuộc đời đời một con người trí thức tài hoa, người chiến sỷ dũng cảm. Mỗi giai đoạn trong cuộc đời người liệt sỹ, anh hùng ấy đều xứng đáng cho chúng ta học tập.

Tác giả: PHAN KỶ SỬU (Nguồn: DMC ngày nay)

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập200
  • Hôm nay1,788
  • Tháng hiện tại68,233
  • Tổng lượt truy cập2,697,444
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây