Giới thiệu chung

GIỚI THIỆU HUYỆN DƯƠNG MINH CHÂU

Đặc điểm tự nhiên

Địa lý

- Phía Đông giáp huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương

- Phía Tây giáp Thành phố Tây Ninh và huyện Hoà Thành.

- Phía Nam giáp các huyện Gò Dầu và Trảng Bàng.

- Phía Bắc giáp huyện Tân Châu.

Diện tích tự nhiên: 435,54 km2.

Dân số toàn huyện: 119.158 người, trong đó Nam là 59584 người, Nữ là 59574 người; Thành thị là 6316 người (trong đó Nam: 3074 người, Nữ: 3242 người); Nông thôn là 112842 người (trong đó Nam: 56510 người, Nữ: 56332 người).

Một phần hồ Dầu Tiếng nằm trên địa bàn huyện, cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trên toàn huyện.

Du lịch

Huyện Dương Minh Châu có 2 địa điểm du lịch là: chiến khu Dương Minh Châu, Hồ Dầu Tiếng.

Hồ Dầu Tiếng được xây dựng vào những năm 80 là hồ nước ngọt có diện tích lớn nhất Việt Nam, phần lớn nằm trong huyện Dương Minh Châu, còn lại ở huyện Tân Châu và 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước.

Hành chính

Gồm 1 thị trấn Dương Minh Châu và 10 xã: Bàu Năng, Bến Củi, Cầu Khởi, Chà Là, Lộc Ninh, Phan, Phước Minh, Phước Ninh, Suối Đá, Truông Mít. 

Lịch sử

Giữa tháng 5 năm 1951, theo yêu cầu của cuộc kháng chiến, huyện căn cứ Dương Minh Châu được thành lập, huyện lấy tên đồng chí Dương Minh Châu. Về mặt hành chính huyện căn cứ gồm 5 xã: Ninh Thạnh, Thạnh Bình, Chơn Bà Đen, Phước Ninh, Định Thành. Tỉnh uỷ Gia Định Ninh chỉ đạo tách một phần xã Ninh Thạnh nhập vào một phần xã Thái Bình, thành lập xã mới là xã Thạnh Bình. Các xóm quanh núi Bà cùng các xóm dân cư trong khu căn cứ hình thành xã Chơn Bà Đen. Hai xã Lộc Ninh và Phước Hội nhập lại thành xã Phước Ninh; tách ấp Bến Buôn của xã Phước Ninh nhập vào một số xóm dân cư ven sông sài Gòn thành lập xã Định Thành. Dân số khoảng 10.000 người.

Sau năm 1975, huyện Dương Minh Châu có 10 xã: Bàu Năng, Bến Củi, Cầu Khởi, Chà Là, Lộc Ninh, Phan, Phước Minh, Phước Ninh, Suối Đá, Truông Mít.

Ngày13 tháng 5 năm 1989, tách 2 vùng kinh tế mới Tân Thành và Suối Dây để hợp với 8 xã thuộc huyện Tân Biên thành lập huyện Tân Châu.

Ngày 13 tháng 1 năm 1999, thành lập thị trấn Dương Minh Châu - thị trấn huyện lỵ huyện Dương Minh Châu trên cơ sở điều chỉnh 465 ha diện tích tự nhiên và 7.985 nhân khẩu của xã Suối Đá.

Ngày 12 tháng 1 năm 2004, một phần diện tích và dân số của xã Suối Đá được điều chỉnh về huyện Tân Châu quản lý. Cụ thể:

- 7.433 ha diện tích tự nhiên và 1.104 nhân khẩu (các ấp Tà Dơ, Đồng Kèn) của xã Suối Đá được chuyển về xã Tân Thành, huyện Tân Châu quản lý.

- 7.930 ha diện tích tự nhiên và 1.775 nhân khẩu (ấp Suối Bà Chiêm) của xã Suối Đá được chuyển về xã Tân Hòa, huyện Tân Châu quản lý.

Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, huyện Dương Minh Châu còn lại 43.451 ha diện tích tự nhiên và 100.047 nhân khẩu, gồm 1 thị trấn và 10 xã.

Kinh tế xã hội

Hệ thống đường giao thông của huyện tương đối hoàn chỉnh, đảm bảo được yêu cầu giao thông trong huyện. Phía Bắc huyện có đường tỉnh 781 trải nhựa, từ thị xã Tây Ninh đến đập chính Hồ nước Dầu Tiếng dài 30 km. Dọc theo phía Tây huyện có đường tỉnh 784 từ Bàu Năng qua ngã ba Đất Sét xuống Bàu Đồn (Gò Dầu) dài 20,7km. Phía Đông huyện có đường tỉnh 789 dài 18km từ Bến Sắn đến Củ Chi (TP HCM). Ngoài ra, còn có các đường trải sỏi đỏ, đường đất nối huyện lỵ với tất cả các xã. Hệ thống đường giao thông được nâng cấp thuận tiên cho việc chuyên chở hàng hoá và đi lại thường ngày.

Về tín ngưỡng tôn giáo, cư dân trong huyện chủ yếu theo đạo Cao Đài và đạo Phật.

Dương Minh Châu là một vùng căn cứ cách mạng. Trước đó, là căn cứ Trà Vong, sau này, được lấy tên đồng chí Dương Minh Châu đặt tên cho căn cứ. Chiến khu Dương Minh Châu còn là nơi các đơn vị võ trang, lập kế hoạch lập trận làm bàn đạp tấn công quân xâm lược ở các chiến trường xung quanh.

Trước Cách mạng tháng Tám, phần lớn, đất huyện Dương Minh Châu là rừng và đồn điền cao su. Thêm vào đó, là công trình thuỷ lợi Lòng hồ Dầu Tiếng được khởi công từ cuối năm 1979. Diện tích mặt hồ khoảng 27000 ha, có sức chứa 1,45 tỉ m3 nước. Đây là  nguồn nước cung cấp cho việc sản xuất nông nghiệp và dân sinh của toàn tỉnh. Bên cạnh đó, đất đai huyện gồm hai loại đật chính là đất xám và đất phù sa, với hệ thống thuỷ lợi Hồ Dầu Tiếng, huyện rất có tiềm năng cho việc phát triển nông nghiệp thuỷ sản và kinh tế du lịch. Chính vì thế mà ngày nay, những địa danh như: Nông trường cao su Dầu Tiếng, Nông trường cao su Bến Củi, Cầu Khởi, Hồ Dầu Tiếng, cầu Kênh Tây, cầu Tân Hưng,… là niềm tự hào một thời của người dân Dương Minh Châu.   

Hệ thống thuỷ lợi tưới, tiêu ngày càng hoàn chỉnh và phát huy hiệu quả. Hệ thống lưới điện quốc gia đã toả về khắp 10 xã trong huyện. Các công trình phục vụ dân sinh như bệnh viện, trạm xá, trường học, chợ huyện, bãi hát... đã được xây dựng.

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập14
  • Hôm nay790
  • Tháng hiện tại23,082
  • Tổng lượt truy cập2,576,107
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây