ĐƠN VỊ ANH HÙNG LLVTND VÀ HUÂN CHƯƠNG LAO ĐỘNG TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI

Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương lao động trong thời kỳ đổi mới

 

Lễ phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân và lực lượng vũ trang 

huyện Dương Minh Châu năm 1994.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Huỳnh Văn Quang gắn Huân chương Lao động Hạng III 

lên lá cờ truyền thống của huyện Dương Minh Châu năm 2014

 

I. ĐƠN VỊ ANH HÙNG LLVT NHÂN DÂN

1. Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân huyện Dương Minh Châu được phong tặng vào ngày 20/12/1994.

2. Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Chà Là được phong tặng vào ngày 20/12/1994.

3. Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Bến Củi được phong tặng vào ngày 30/8/1995.

4. Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Cầu Khởi được phong tặng vào ngày 30/8/1995.

5. Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Phước Ninh được phong tặng vào ngày 28/4/2000.

6. Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Lộc Ninh được phong tặng vào ngày 28/9/2000.

7. Cán bộ và chiến sĩ Ban An ninh huyện Dương Minh Châu được phong tặng vào ngày 27/11/2001.

8. Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Suối Đá được phong tặng vào ngày 29/6/2005.

II. CÁ NHÂN ANH HÙNG LLVT NHÂN DÂN

1. Đồng chí Ngô Văn Rạnh, sinh năm 1922, quê quán xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu được phong tặng vào ngày 17/9/1967. 

Ảnh: Chân dung đồng chí Ngô Văn Rạnh

 

TIỂU SỬ VÀ CUỘC ĐỜI 
HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA ANH HÙNG LỰC LƯỢNG 
VŨ TRANG NGÔ VĂN RẠNH

 

Đồng chí Ngô Văn Rạnh, sinh năm 1922, quê ở xã Suối Đá, nhập ngũ tháng 3 năm 1956. Ông là một cán bộ tích cực hoạt động từ những năm đầu xây dựng lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ.

Được giao nhiệm vụ phụ trách một tổ công binh mở đường, bắc cầu phục vụ việc vận chuyển, ông có nhiều sáng tạo, chỉ huy đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong 6 năm, ông và đồng đội đã mở được 29 con đường rừng dài gần 200 ki-lô-mét, bắc 55 cầu to, nhỏ.

Năm 1962, ông được phân công cùng 5 người khác đi làm cầu đường với một cái khoan, mấy con dao rựa và một cái cưa. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, với ý chí sáng tạo, chỉ trong 10 ngày đêm, tổ của ông đã hoàn thành bắc xong cây cầu dài 43 mét.

Khi chuẩn bị cho chiến dịch Đường số 13, Ngô Văn Rạnh được giao phụ trách một bộ phận đi làm đường, đồng chí đã cùng đồng đội mở được những con đường rừng dài gần 200 ki-lô-mét, phục vụ kịp thời yêu cầu chiến đấu.

Đồng chí Ngô Văn Rạnh luôn luôn nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, gương mẫu trong mọi mặt công tác, đồng chí còn chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đơn vị, thương yêu, tận tình giúp đỡ anh em, sống khiêm tốn, giản dị, được đồng đội tin yêu, mến phục.

Trong nhiệm vụ làm đường, ông luôn luôn đặt yêu cầu làm đường phải bảo đảm vận chuyển hàng hóa và thương binh đi được dễ dàng, nhanh chóng và an toàn.

Đồng chí Ngô Văn Rạnh đã được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, 5 bằng khen và giấy khen, 5 năm liền là Chiến sĩ thi đua. Ngày 17 tháng 9 năm 1967, ông được Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng. Ông là người duy nhất của huyện Dương Minh Châu và là người đầu tiên của lực lượng vũ trang tinh Tây Ninh được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. 

 

THÀNH TÍCH ĐẠI ĐỘI 31, BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ

HUYỆN DƯƠNG MINH CHÂU, TỈNH TÂY NINH

 

Nhằm mở rộng quy mô căn cứ đủ sức đảm đương vai trò căn cứ địa phục vụ cơ quan lãnh đạo chỉ huy cuộc kháng chiến toàn Nam Bộ. Tháng 5/1951, thực hiện chủ trương của Bộ chỉ huy Phân liên khu miền Đông, Tỉnh uỷ Gia Định Ninh quyết định thành lập huyện căn cứ mang tên huyện Dương Minh Châu. Huyện có 5 xã: Ninh Thạnh, Thạnh Bình, Chơn Bà Đen, Phước Ninh và Định Thành. Huyện có 100 đảng viên. Tỉnh uỷ chỉ định Ban Thường vụ Huyện ủy gồm 11 đồng chí, bổ nhiệm đồng chí Huỳnh Văn Một - nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 311 Tây Ninh - nguyên Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh Tây Ninh (cũ) về làm Bí thư kiêm Chủ tịch huyện. Cùng thời gian trên Tỉnh Đội Tây Ninh quyết định thành lập Đại đội vũ trang địa phương huyện Dương Minh Châu, lấy phiên hiệu Đại đội 31, quân số lúc đầu khoảng 01 trung đội gồm 20 chiến sĩ nòng cốt, được rút ra từ Tiểu đoàn 306 bộ đội địa phương tỉnh Gia Ninh, do đồng chí  Huỳnh Văn Một - Bí thư kiêm Chủ tịch huyện trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Đại đội vũ trang địa phương huyện Dương Minh Châu làm nòng cốt cùng toàn dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ căn cứ, bảo vệ cán bộ góp phần cùng lực lượng tỉnh, miền Đông và cả Nam Bộ chia lửa với chiến trường chính góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược.

Sau Đồng khởi Tua Hai, ngày 15/2/1961 Đại đội vũ trang địa phương Dương Minh Châu được củng cố, vẫn mang phiên hiệu C31, gồm 20 cán bộ, chiến sĩ, vũ khí trang bị thô sơ nhưng nghĩa khí ngút trời với lòng yêu quê hương, đất nước, quyết tâm nối bước cha anh, lần thứ hai bước vào cuộc kháng chiến chống xâm lược Mỹ, góp phần giải phóng dân tộc.

Qua 21 năm kháng chiến chống Mỹ, vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, được sự che chở đùm bọc của nhân dân, với một lực lượng còn nhỏ bé, trang bị thô sơ, đối tượng tác chiến là các đơn vị chủ lực Mỹ, Ngụy và quân đội các nước chư hầu của Mỹ, lực lượng bảo an, dân vệ… được trang bị hiện đại, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 31 đã vượt qua mọi khó khăn hy sinh, gian khổ phối hợp với các lực lượng tổ chức và tham gia 182 trận đánh lớn, nhỏ, tiêu diệt 1.421 tên địch, trong đó có 615 tên Mỹ. Đặc biệt đã tiêu diệt gọn 03 đại đội bảo an, 01 trung đội Bạch Hổ, 01 trung đội dân vệ, 02 đồn bót và 01 đại đội lính Mỹ; bắt 418 tù binh, diệt và phá hủy 200 xe tăng, xe quân sự và nhiều phương tiện chiến tranh khác, bức hàng 22 đồn bót.

Là lực lượng nòng cốt của phong trào đấu tranh chính trị, Đại đội 31 đã làm nòng cốt cho lực lượng quần chúng làm công tác binh, địch vận, giải phóng các xã Bến Củi, Chà Là, Bình Linh, Cầu Khởi và ấp chiến lược Năm Ngọn. Liên tục sử dụng 3 mũi giáp công bao vây, bức hàng các đồn Bến Củi, Chà Là, Cầu Khởi, Phan. Vận động 450 lính ngụy các loại đào bỏ ngũ về gia đình làm ăn sinh sống, hơn 200 lính ngụy theo gia đình vào vùng giải phóng làm ăn và tham gia các lực lượng cách mạng. Tạo điều kiện cho hơn 01 vạn lượt đồng bào tham gia phá ấp chiến lược và hơn 20 ngàn đồng bào ở các xã Chà Là, Bình Linh, Cầu Khởi, Bến Củi nhiều lần tổ chức biểu tình đòi trở về ruộng vườn sản xuất.

  Quá trình chiến đấu và trưởng thành, tập thể đơn vị đã từng bước khắc phục khó khăn, kiên cường bám trụ từ Bến Củi, Suối Ông Hùng, Truông Mít, Ngã ba Đất Sét đến Cầu Khởi, Bình Linh, Chà Là vang danh Đại đội 31. Từ Suối Đá, Phan, ngã ba Bàu Năng đến cửa số 2 (Tòa Thánh), rạp hát Hòa Hảo (Trảng Dài), Sân Cu (Trường Hòa), chợ Long Hoa đến Cẩm Giang - Bến Kéo. . .  đã một thời in đậm dấu chân người lính C31. Với hàng trăm trận đánh từ vùng ven đến Thị Xã Tây Ninh sào huyệt của kẻ thù, tiêu diệt và bắt sống hàng ngàn tên địch, thu và phá hủy hàng trăm xe quân sự, hàng ngàn súng các loại, hàng tấn đạn dược.

  Trải qua hơn 20 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành với những chiến công oanh liệt, hàng trăm cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần thân thể trên mãnh đất quê hương. Song dù hy sinh gian khổ, mất mát, lực lượng C31 vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và nhân dân giao phó. Nhân dân Dương Minh Châu không bao giờ có thể quên được: Liệt sĩ, Đội Trưởng Đội Biệt Động Đỗ Hoàng Thân - một mình một súng đánh địch vào ban ngày trong ấp chiến lược; kiện tướng diệt xe cơ giới Đại đội trưởng Dương Văn Tân, một mình diệt hơn 60 xe cơ giới của địch; các đồng chí Hai Xốp, Bảy Cúp, Bảy Râu, Hai Cừu, Bảy Lạc… là những Đại đội trưởng, Đại đội phó tiêu biểu của Đại đội 31 và biết bao tấm gương hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ  lực lượng Đại đội 31, những người con ưu tú của quê hương Dương Minh Châu anh hùng.

 

Đội Thiếu niên diệt Mỹ xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.

Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Cầu Khởi chiếm vị trí đặc biệt quan trọng, là cửa ngõ của căn cứ Dương Minh Châu, nên nơi đây là một trong những nơi đế quốc Mỹ tập trung đánh phá nhằm hủy diệt và biến Cầu Khởi trở thành "vành đai trắng".

 Cuối năm 1965, Mỹ đưa quân trực tiếp tham chiến trên chiến trường miền Nam với kế hoạch "tìm và diệt". Trong thời gian này, Huyện Đoàn Dương Minh Châu và chi bộ xã Cầu Khởi chỉ đạo việc thành lập Đội thiếu niên ở xã nhằm tập hợp và giáo dục các em thiếu niên là con em của các gia đình đi theo cách mạng, con của công nhân Đồn điền Cao su Cầu Khởi ở lại không chịu thực hiện chính sách dồn dân vào các ấp chiến lược của địch. Giao cho Xã đoàn Cầu Khởi trực tiếp phụ trách và tổ chức nội dung hoạt động của Đội thiếu niên xã.

Tháng 10/1965, Mỹ đổ bộ đến Tây Ninh, chúng dùng đường 26 đi lại các khu vực Trảng Lớn, Bến Củi, Dầu tiếng để tiếp tế và hành quân càn quét. Trên đoạn đường lộ 26 (đoạn đi ngang qua xã Cầu Khởi), Đội công binh Huyện đội Dương Minh Châu đóng tại Cầu Khởi đã chế tạo mìn và gài diệt trên 100 xe cơ giới. Phát hiện được cách đánh của ta, Mỹ cho lực lượng tuần tra hằng ngày trên các lộ lớn, do đó người lớn không thể ra đường. Lúc này, chỉ có thiếu nhi mới dám lân la ra đường và bám theo đi chơi với Mỹ.

Thấy được thuận lợi đó, vào đầu tháng 05/1966, Huyện Đoàn Dương Minh Châu và chi bộ xã Cầu Khởi quyết định tổ chức cho Đội thiếu niên Cầu Khởi trực tiếp đánh Mỹ, gồm 11 đội viên, cử Nguyễn Văn Hùng làm đội trưởng và phân công đồng chí Hai Thẻo, Bí thư Xã Đoàn phụ trách với nhiệm vụ nắm tình hình địch trên các tuyến giao liên, đảm bảo đường dây liên lạc an toàn, thu lượm vũ khí cho du kích nhất là đạn, lựu đạn.

Sau hơn một năm dùng mìn đặt trên đường để diệt xe cơ giới Mỹ của Công binh huyện, chúng đã phát hiện và đã tháo gỡ tất cả mìn do ta gài. Trước tình hình khó khăn của các chú, các anh, được các anh công binh hướng dẫn đi lượm đầu đạn, trái lép của Mỹ, các đội viên tự tìm hiểu và học từ các anh du kích cách thức rồi tự tạo ra các loại mìn để đánh xe cơ giới địch. Sau đó, theo dõi cách bọn Mỹ rà mìn, các đội viên Đội thiếu niên diệt Mỹ  Cầu Khởi đã nghĩ ra cách đánh mới: đào lỗ trước vào ban đêm, sau đó dùng bao cát Mỹ chôn vào các lỗ, sau khi xe rà mìn của Mỹ đi qua thì lấy mìn đã được giấu trong các lô cao su, chạy ra các lỗ đã đào sẵn lấy bao cát ra, đặt mìn xuống và ngụy trang nhanh, các xe quân sự đi sau đó khoảng 700 - 800m nhất định sẽ trúng mìn.

Nghĩ là làm, ngày hôm sau các đội viên tổ chức đánh ngay. Kết quả: Chiếc xe M113 chở lính trúng trái lật ngang đường, làm chết và bị 01 tiểu đội lính Mỹ. Đó là trận đánh và chiến công đầu tiên của Đội thiếu niên diệt Mỹ Cầu Khởi, cũng là cách đánh sáng tạo mà người lớn chưa nghĩ tới. Cách đánh mới của các đội viên Đội thiếu niên diệt Mỹ Cầu Khởi được Xã đoàn báo cáo lên Huyện Đoàn và chi bộ Cầu Khởi, được tuyên dương và nhân rộng.

Với sự mưu trí, dũng cảm và sáng tạo theo từng trận đánh, trong 3 năm 1966 -1969, được các anh công binh huyện huấn luyện, đội thiếu niên diệt Mỹ Cầu Khởi đã đánh hàng chục trận (có ngày tổ chức đánh 3 trận, có trận diệt đến 4 xe M113, M41 của Mỹ), diệt hơn 70 xe cơ giới và hơn 100 lính Mỹ, làm cho bọn Mỹ tổn thất hết sức nặng nề.

Cùng với việc đánh mìn, các đội viên còn đảm nhận việc đi dò đường, đi liên lạc, thông tin giúp các đơn vị bộ đội tránh được các đợt tập kích của địch; nắm tình hình, dọn đường lấp dấu, đo đạc mục tiêu phục vụ cho lực lượng chủ lực đánh đồn; cung cấp lương thực, thuốc men cho bộ đội. Đội đã nhiều lần phát hiện lính đi càn kịp thời báo cho chi bộ, xã đội hoặc đi thăm dò đường xá khi có chuyến giao liên đi qua khu vực Cầu Khởi, từ đó mà chi bộ Cầu Khởi đứng vững và không bị tổn thất nhiều như các chi bộ khác.

Các đội viên Đội thiếu niên diệt Mỹ Cầu Khởi còn sáng tạo hơn bằng cách tiếp cận và làm quen với lính Mỹ, lợi dụng sự sơ hở của chúng lấy vũ khí và phương tiện phục vụ chiến tranh của chúng gồm 01 đại liên, 02 khẩu M16, 02 khẩu M79, 02 súng ngắn, phá hủy 01 máy thu phát của địch, lấy 01 bộ đồ mổ trung phẫu thuật và hàng ngàn đô la Mỹ giao cho cách mạng.

Năm 1972, các đội viên đã lớn và đều tham gia quân giải phóng cho đến ngày 30/04/1975, riêng Nguyễn Văn Hùng và nguyễn Văn Hưởng gia nhập tiểu đoàn 14 của tỉnh. Sau giải phóng một số em còn tham gia làm nghĩa vụ quốc tế ở Cam - pu - chia.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong giai đoạn 1966 - 1969, Đội thiếu niên diệt Mỹ Cầu Khởi được Bộ chỉ huy miền tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai, đội trưởng Nguyễn Văn Hùng được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba, các đội viên khác được tặng bằng Dũng sĩ diệt Mỹ. Các Huân chương và Bằng khen tặng cho Đội Thiếu niên diệt Mỹ Cầu Khởi được đồng chí Tư Cẩn (đã hy sinh) chôn dưới gốc cao su Cầu Khởi. Trong 01 trận càn, địch phát hiện lấy được và truy bắt các đội viên có tên trong danh sách.

Tháng 04/1993, Tỉnh Đoàn Tây Ninh tổ chức hội thảo lấy tư liệu viết sử về Phong trào đấu tranh thanh thiếu niên tỉnh Tây Ninh. Nhớ lại lời hứa của các chú, các anh năm xưa, Tỉnh Đoàn đã tổ chức cho các đội viên Đội thiếu niên diệt Mỹ Cầu Khởi ra miền Bắc viếng Lăng Bác Hồ và một số danh lam, thắng cánh của đất nước, các anh cũng đã được đồng chí Vũ Trọng Kim, nguyên Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tiếp đón và tặng quà.

 

ĐỘI THIẾU NIÊN DIỆT MỸ XÃ BẾN CỦI

 

Đội thiếu niên chiến đấu dưới sự chỉ huy của Tư Cận đã dùng mìn tự tạo, phục kích đánh xe bọc thép. Đội thiếu niên chiến đấu gồm các em Thu, Quế, Sáu Vân, Nhâm, Hùng, Đạt, Mạnh… đã liên tục tổ chức gài mìn đánh địch và đảm nhiệm công tác trinh sát, giao liên. Đặc biệt, ngày 15/2/1967, đội thiếu niên chiến đấu gài mìn đón đánh Trung đoàn thiết giáp Mỹ khi chúng vượt sông Sài Gòn tập kết về Bến Củi chuẩn bị cho chiến dịch hành quân càn quét, tiêu diệt 8 xe tăng M113 và tiếp tục sáng ngày 22/2/1967, đội tổ chức gài mìn phá hủy 01 xe bọc thép và diệt hàng chục tên Mỹ.

 

 

ĐỘI DU KÍCH XÃ CHÀ LÀ, HUYỆN DƯƠNG MINH CHÂU

 

Đội du kích xã Chà Là được mệnh danh là Đội Du kích Phạm Văn Cội, được thành lập trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Trong 02 thời kỳ kháng chiến đã đánh địch trên 650 trận, tiêu diệt và làm bị thương 1.583 tên địch, 57 tên Pháp, 824 tên Mỹ, bắt sống 70 tên, phá hủy, đánh hư 56 xe tăng, xe bọc thép, 07 xe GMC, 02 xe đốt cát, bắn rơi 02 máy bay trực thăng, thu 513 súng các loại. Trong suốt 15 năm chống Mỹ, du kích Chà Là trở thành nỗi ám ảnh, lo sợ của kẻ địch mỗi khi phải di chuyển trên đường 19-26.

Trong đó có nhiều gương chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo:

- Đồng chí Đỗ Hoàng Thân, anh đã tham gia chiến đấu 179 trận, diệt hàng trăm tên địch, ba lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp miền về phong trào chiến tranh du kích nhân dân. Hy sinh trong trận đánh ngày 27/11/1968 trong trận tập kích vào Yếu khu chợ Cầu, huyện Bến Cầu trên cương vị Tiểu đoàn phó - Tiểu đoàn 14.

- Đồng chí Lê Văn Triệu, một mình chống lại 01 đại đội của Sư đoàn 25 ngụy, diệt hàng chục tên và chiến đấu đến viên đạn cuối cùng.

- Đồng chí Dương Văn Tân đã diệt được hàng trăm xe cơ giới Mỹ được tặng thưởng danh hiệu Kiện tướng diệt xe cơ giới Mỹ.

Qua 2 năm chiến đấu 1966 - 1967, toàn Đội được tặng Huân chương chiến công hạng Ba, các em đội viên hấu hết đều được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và diệt xe tăng.

 

 

TÓM TẮT THÀNH TÍCH

ĐÓN NHẬN HUÂN CHƯƠNG LAO ĐỘNG HẠNG BA  CỦA ĐẢNG BỘ, CHÍNH QUYỀN, NHÂN DÂN HUYỆN DƯƠNG MINH CHÂU

(Ngày 25/01/2014)

 

Nhân dịp kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2014), 63 năm ngày thành lập huyện. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Dương Minh Châu vinh dự được đón nhận Huân chương lao động hạng Ba do Đảng và Nhà nước trao tặng. Đây là phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc của huyện Dương Minh Châu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm 1951, do yêu cầu kháng chiến, huyện căn cứ được thành lập và mang tên Anh hùng liệt sĩ Dương Minh Châu, nguyên đại biểu Quốc Hội khóa I nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chủ tịch Uỷ ban hành chính kháng chiến tỉnh Tây Ninh. Và tên đơn vị hành chính "huyện Dương Minh Châu" có từ đó cho tới nay.

Trong suốt chặng đường 63 năm lịch sử vẻ vang của mình, Đảng bộ và nhân dân huyện Dương Minh Châu có truyền thống yêu nước và cách mạng, nêu cao tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, đoàn kết anh dũng trong đấu tranh chống áp bức bóc lột, chống kẻ thù xâm lược, anh hùng trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc và đoàn kết cùng nhau xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.

Tuy nhiên, Dương Minh Châu đi lên từ một huyện nghèo, kinh tế kém phát triển, trình độ dân trí không đồng đều; công nghệ và thiết bị sản xuất lạc hậu; năng lực đội ngũ cán bộ còn yếu so với yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước. Trong hơn 10 năm qua tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và huyện Dương Minh Châu nói riêng. Mặt khác do ảnh hưởng của lạm phát, giá cả tăng cao, thời tiết diễn biến bất thường đã gây ra không ít khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như đời sống của nhân dân.

Từ những thuận lợi và khó khăn nêu trên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Dương Minh Châu đã đoàn kết một lòng, khai thác tiềm năng thế mạnh, khắc phục khó khăn, thách thức cả về khách quan và chủ quan, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch của Đảng bộ huyện đề ra qua các nhiệm kỳ.

Trong hơn 5 năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi, hướng dẫn kịp thời của các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể tỉnh cùng dưới sự tập trung lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự điều hành quyết liệt của các cấp chính quyền, đoàn thể, sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân và các doanh nghiệp trên địa bàn, huyện Dương Minh Châu đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị vững chắc.

Kinh tế huyện tiếp tục tăng trưởng, công tác mời gọi đầu tư được tập trung triển khai các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, mở rộng sản xuất và thu hút nhiều lao động. Diện mạo của Dương Minh Châu từng bước được đổi thay không còn là một huyện thuần nông, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; giá trị sản xuất các ngành đều tăng; thu ngân sách vượt chỉ tiêu hàng năm; kết thúc năm 2013 và so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X có 16/21 chỉ tiêu cơ bản có khả năng thực hiện đạt và vượt so với Nghị quyết cả nhiệm kỳ. Ba khâu đột phá và chương trình xây dựng nộng thôn mới được cụ thể hóa và tập trung chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực: kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội của huyện được Trung ương, tỉnh, huyện quan tâm tập trung đầu tư, hệ thống điện, đường, trường, trạm, thủy lợi thường xuyên được duy tu, sửa chữa và xây mới, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển và phục vụ tốt cho đời sống nhân dân, nhất là hạ tầng giao thông các tuyến trục chính đang được thi công, giao thông nông thôn đang dồn sức các nguồn vốn để triển khai thực hiện; Chương trình phát triển nguồn nhân lực được chú trọng: phát huy được các chương trình đào tạo, dạy nghề nhất là lao động nông thôn gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp; chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, định hướng liên kết đào tạo gắn với nhu cầu ngành, nghề, phục vụ phát triển bền vững của địa phương; chương trình cải cách hành chính được quan tâm đầu tư: cơ sở vật chất được trang bị, đội ngũ cán bộ được giáo dục, bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo, tính công khai minh bạch, tinh thần, thái độ, chất lượng phục vụ ngày càng tốt hơn; mô hình cải cách hành chính một cửa, một cửa liên thông bước đầu mang lại hiệu quả trong quản lý nhà nước và phục vụ nhân dân; chương trình xây dựng nông thôn mới: Đã hoàn chỉnh công tác quy hoạch, quyết định phê duyệt Đồ án cho 10/10 xã, xã điểm Bến Củi đạt 16/19 tiêu chí, phấn đấu đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới trong năm 2014.

Các mặt văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ: Chất lượng dạy và học ngày càng nâng lên, cơ sở vật chất phục vụ cho sự nghiệp giáo dục  được đẩy mạnh đầu tư theo hướng chuẩn hóa; đầu tư, nâng cấp, xây mới trạm y tế xã, thị trấn, trung tâm y tế huyện đáp ứng nhu cầu khám và điều trị bệnh cho nhân dân, công tác chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm được đảm bảo, thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội, hoạt động uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa: Xây dựng nhà tình nghĩa, chăm sóc gia đình chính sách, vận động quỹ vì người nghèo, xây dựng nhà đại đoàn kết hằng năm đều vượt chỉ tiêu, thường xuyên thăm hỏi, chăm lo cho các đối tượng chính sách và hộ nghèo, nhất là các dịp lễ, tết.

Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện được giữ vững, ổn định, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc được phát huy, tội phạm được kéo giảm, tai nạn giao thông được kiềm chế; công tác quân sự, quốc phòng địa phương và giáo dục quốc phòng, an ninh, công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, động viên huấn luyện đạt kế hoạch hàng năm.

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ, kiểm tra, giám sát, dân vận của Đảng được đặc biệt quan tâm, chất lượng sinh hoạt chi bộ ngày càng được nâng cao, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã trở thành công việc thường xuyên của các tổ chức cơ sở Đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên gắn với thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng.

Tình hình tư tưởng trong Đảng bộ ổn định, nội bộ đoàn kết, thống nhất, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên được nâng lên, công tác xây dựng đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, tăng thêm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của các cấp chính quyền địa phương.

Thời gian qua, trên địa bàn huyện có nhiều cơ quan, đơn vị có cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực đã được ngành cấp trên công nhận là những đơn vị tiêu biểu, xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua trong tỉnh, cụ thể như: Hội nông dân huyện, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Công an huyện, Huyện Đoàn, Ủy ban kiêm tra Huyện ủy, Ban Dân vận Huyện ủy, Liên đoàn lao động huyện, Hội Nạn nhân chất độc da cam, Phòng Tài nguyên - Môi trường. Nhiều tập thể, cá nhân đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba, Bằng khen và cờ của Thủ tướng Chính phủ, được công nhận và biểu dương là gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Dương Minh Châu quyết tâm phát huy sức mạnh đoàn kết và truyền thống cách mạng của quê hương; tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, sớm đưa huyện trở thành một địa phương có kinh tế - xã hội phát triển; an ninh - quốc phòng được đảm bảo, đời sống nhân dân được ấm no, hạnh phúc.

 Nguồn: LSĐB huyện DMC

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập55
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm53
  • Hôm nay546
  • Tháng hiện tại66,991
  • Tổng lượt truy cập2,696,202
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây