Thời gian gần đây, nhiều bà con nông dân ở xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu rất thích thú với công trình cải tiến máy cày tay 2 lưỡi của ông Nguyễn Văn Ngà, 49 tuổi, ngụ ấp Phước Hiệp. Từ chiếc máy cày loại nhỏ, ông Ngà đã cải tiến và gắn thêm dàn cày 2 lưỡi để trồng mì, trồng bắp và cày sạch cỏ mì, bắp giúp giảm bớt chi phí trong sản xuất. Nhưng điều mà mọi người nể phục nhất đó là sau khi công trình cải tiến thành công, ông Ngà đã không giữ để thu lợi cho mình mà sẵn sàng chia sẻ cho nhiều bà con nông dân trong xóm ấp cùng thụ hưởng. Vốn là một nông dân nòi, suốt nhiều năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nên ông Ngà rất hiểu nỗi cơ cực của người nông dân. Chính vì vậy mà ông luôn khát khao làm sao để giảm bớt được chi phí và tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp. Ông Ngà kể: “Gia đình tôi vốn là nông dân từ bao đời nay. Trước đây, mỗi khi trồng bắp hay trồng mì thì chúng tôi đều sử dụng bò để cày úp vô hoặc úp ra. Một lần tôi chợt nghĩ: “Sao mình không dùng máy để cày thử? Thế là ý tưởng về chiếc máy cày tay 2 lưỡi ra đời từ đó”. Chỉ với 13.680.000 đồng, ông Ngà đã tạo ra một chiếc máy cày tay 2 lưỡi rất hiệu quả trong sản xuất. Trong đó: máy cày tay trị giá 12 triệu đồng; dàn cày vô trị giá 880.000 đồng và dàn cày ra trị giá 800.000 đồng. Hai dàn cày ra và vô này có thể tháo lắp tuỳ theo mục đích sử dụng. Ưu điểm của chiếc máy cày tay 2 lưỡi là thiết kế đơn giản, dễ chế tạo, dễ sử dụng, giá thành đầu tư thấp và có thể cày quanh đầu hàng mì, bắp mà không sợ bị gãy cây trồng như cày bò. Lúc đầu, ông Ngà chỉ dùng để cày trồng bắp, nhưng sau thấy có thể cày trồng mì được nên ông đã đem cày thử. Thật bất ngờ, máy cày đã cho hiệu quả ngoài dự kiến. Bên cạnh đó, chiếc máy cày tay 2 lưỡi còn dùng để cày bón phân. Trước khi có chiếc máy cày này, mỗi khi cần bón phân cho mì hay bắp thì ông Ngà phải sử dụng trâu hoặc bò cày mất 1 ngày/ha. Nhưng với chiếc máy cày tay 2 lưỡi, ông Ngà đã tăng công suất lên 1 ngày/3 ha. Tính theo thời giá hiện tại, cày bò cho thu nhập 900.000 đồng/ngày/ha, còn sử dụng máy cày tay 2 lưỡi sẽ thu nhập 2.400.000 đồng/ngày/3 ha. Sau khi trừ tiền dầu 150.000 đồng, người chủ máy vẫn còn dư số tiền 2.250.000 đồng. Không những vậy, chiếc máy cày tay 2 lưỡi còn có một tiện ích nữa là khi tháo dàn cày ra, máy có thể gắn thêm rờ-moóc để vận chuyển phân bón ra đồng và chở nông sản ngoài đồng về nhà. Tuy nhiên, nhược điểm của máy cày tay 2 lưỡi là khi mì hoặc bắp đã lên cao thì không thể cày được vì sẽ làm gãy đọt cây trồng. Thấy công trình sáng tạo của ông Ngà có hiệu quả thực tế nên nhiều bà con nông dân ở xã Phước Ninh và Chà Là đã tìm đến tận nhà để nhờ ông tư vấn, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật chế tạo chiếc máy cày tay 2 lưỡi. Ông Ngà tâm sự: “Ước mơ của tôi là tiếp tục cải tiến để làm sao máy có thể cày được khi mì hoặc bắp đã lên cao. Nếu cải tiến này thành công thì sẽ rất có lợi cho bà con nông dân”. Sau gần 1 năm đưa công trình cải tiến vào trong sản xuất, hiện chiếc máy cày tay 2 lưỡi của ông Ngà đang rất được bà con nông dân ở đây ưa chuộng. Tính đến nay, đã có trên 40 hộ nông dân ở 2 xã Phước Ninh và Chà Là đến nhờ ông Ngà tư vấn, hướng dẫn và chế tạo chiếc máy cày tay 2 lưỡi. Công trình máy cày tay 2 lưỡi của ông Ngà được Hội Nông dân huyện Dương Minh Châu gởi đi tham gia Hội thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật tỉnh Tây Ninh năm 2013.
Tác giả: Theo BTNO
Ý kiến bạn đọc