Đại gia chân đất và 'tín ngưỡng' trồng rừng

Thứ sáu - 15/07/2016 11:50 165 0
Trong khi người ta trồng rừng để bán gỗ với ước mơ trở thành “đại gia”, ông Võ Văn Ten (ấp Phước Hội, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) lại tâm đắc với dự án trồng rừng… “để đó” của mình. Ông bảo, trồng rừng mà tính sẽ có bao nhiêu tiền từ bán gỗ thì chỉ có… vứt đi. Trồng rừng, trong suy nghĩ của ông, nó như một thứ tín ngưỡng…
Trong khi người ta trồng rừng để bán gỗ với ước mơ trở thành “đại gia”, ông Võ Văn Ten (ấp Phước Hội, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) lại tâm đắc với dự án trồng rừng… “để đó” của mình. Ông bảo, trồng rừng mà tính sẽ có bao nhiêu tiền từ bán gỗ thì chỉ có… vứt đi. Trồng rừng, trong suy nghĩ của ông, nó như một thứ tín ngưỡng…

Ở cái tuổi ngoài 70, ông Ten (sinh năm 1942) vẫn còn khỏe lắm, mỗi ngày ông đều chạy xe máy một vòng để xem bữa nay cánh rừng của mình có cây nào bị sâu mọt, bị trộm; hoặc có nguy cơ cháy rừng không. Cánh rừng hơn 80ha xanh um gồm các loại cây có giá trị cao như keo lai, tràm, gỗ sưa, xoan đào… với tuổi đời hơn 20 năm đứng sừng sững ở thượng nguồn hồ Dầu Tiếng như những “đứa con” mà ông “mang nặng đẻ đau” có được.

Dai gia chan dat va 'tin nguong' trong rung - Anh 1 

Dù không qua bất cứ trường lớp cơ khí nào nhưng lão nông Võ Văn Ten vẫn có thể sửa chữa được những hư hỏng nhỏ ở chiếc máy cày của gia đình. Ảnh: Q.H

Hồi xưa còn khó khăn, cũng muốn trồng rừng để bán gỗ và thoát nghèo. Bây giờ khi đã có được những cánh rừng tiền tỷ, nghĩ đến chuyện chặt rừng sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn nước, đến khí hậu thì tôi lại chẳng nỡ, có lẽ tôi sẽ giữ nó đến cuối đời…”.

Ông Võ Văn Ten

Đại gia “bất động sản” bên hồ Dầu Tiếng

Đường vào nhà ông Ten quanh co, bụi mù len lỏi giữa những cánh đồng trồng mì (sắn) và mía bạt ngàn. Căn nhà nhỏ rộng chừng 100m2 có mái lợp tôn đã ngả màu theo năm tháng, là nơi cư ngụ của cả 3 thế hệ của gia đình ông Ten. Ít ai ngờ rằng, đây là “trụ sở chính” của một “đại gia” sở hữu hơn 200ha đất của huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.

Năm 1980, ông Ten đưa gia đình từ xã Trường Hòa, huyện Hòa Thành (tỉnh Tây Ninh) về xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu để lập nghiệp. Ban đầu, gia đình ông chỉ mua được 1,2ha để trồng sắn (mì). “Khi đó gia đình tôi khó khăn lắm chú ạ, bữa cơm nấu lên có đến 8 - 9 phần là mì, đến tôi còn nuốt không trôi huống chi là lũ nhỏ.

Vì vậy, tôi luôn đau đáu suy nghĩ phải làm giàu, chí ít là phải có được cơm ăn qua ngày. Tôi và bà nhà nai lưng ra canh tác trên mảnh đất của mình, từ trồng mì, trồng xen lạc (đậu phộng)… đến làm thuê cho bà con trong vùng. Bao nhiêu tiền kiếm được, tôi chỉ chừa lại đủ tiền ăn trong gia đình, còn lại dồn tiền mua thêm đất. Có siêng năng làm việc trời sẽ không phụ công người, chú ạ” -ông Ten cười nói.

Và chuyện mua đất của ông Ten lại càng khó tin hơn. Chỉ sau 10 năm lập nghiệp ở huyện Dương Minh Châu, từ 1,2ha ban đầu, ông đã “tậu” được gần 100ha đất. Lúc này, ông dành tới hơn một nửa diện tích để trồng rừng. “Lúc đó ai cũng chê tôi dở hơi, đất đai người ta đổ xô trồng cao su thì tôi lại trồng rừng, mà lúc đó giống cây rừng như: Cây sưa, xoan đào… có giá đến mười mấy, hai mươi nghìn một cây. Không đủ tiền tôi vay vốn ngân hàng để mua giống trồng…” - ông Ten nhớ lại.

20 năm, cánh rừng của ông Ten đã lên tới hơn 70ha với những gốc sưa, xoan đào to bằng cả người ôm. Dẫu vậy, khi hỏi ông sao không chặt bán vì… gỗ đang có giá. Ông Ten trừng mắt: “Bán gì chứ, tôi chưa từng nghĩ đến…”. Rồi ông than thở, nhìn rừng bị đốt, bị chặt, nhìn núi rừng quê hương trọc lốc giữa cái nắng như thiêu như đốt của vùng đất biên giới nghèo, ngày mai của mình và cháu con sẽ ra sao. Thôi đừng có bàn đến chuyện bán rừng nữa.

Chúng tôi hỏi ông có bao nhiêu đất? Ông ngẫm nghĩ hồi lâu rồi bảo, tôi chỉ nhớ có khoảng hơn 70ha rừng, còn đất thì chẳng rõ nữa… Cậu con trai cả của ông đang ngồi cùng, nghe hỏi mới tính toán: Gia đình em có hơn 70ha rừng, 70ha trồng mì, 40ha cao su, trên 10ha trồng mía và hơn 5ha trồng mãng cầu. Em nhớ năm ngoái ngân hàng họ xuống thẩm định là vậy.

Thế gia đình muốn vay thêm tiền ngân hàng để làm gì? - tôi hỏi. Anh con trai cười, chắc bố em lại muốn mượn để phá bớt cao su và mua giống cây trồng rừng…

74 tuổi, vẫn là đầu tàu kinh tế của gia đình

Dai gia chan dat va 'tin nguong' trong rung - Anh 2 

Ông Võ Văn Ten (trái) điều chỉnh hệ thống phun nước tự động cho vườn mía.

Ở cái tuổi ngoài 70 nhưng có lẽ bởi tính tình vui vẻ nên nhìn bề ngoài ông Ten vẫn khá trẻ. Đặc biệt, ông vẫn là “đầu tàu” kinh tế của gia đình khi những “chiến lược” trồng cây gì, con gì, chăm bón cây cối thế nào vẫn được ông hoạch định hàng ngày. Hôm nào trời nắng ráo, ông lại lẩn mẩn vác dao quắm, chạy xe thăm từng khu đất, mảnh rừng để thăm, kiểm tra xem có nguy cơ cháy rừng, hoặc chỗ nào cây sắn bị sâu bệnh, ông liền “chỉ đạo” cách khắc phục.

Ông bảo, 2 năm nay ở vùng này xảy ra tình trạng cây mì bị nhện đỏ (rầy lửa) lây lan khiến cho nhiều ha mì bị chết đứng và mất trắng. Vì vậy, khi phát hiện chỗ nào bị bệnh này, ông liền cho công nhân lao động dọn dẹp cách ly khu vực đó ra, nhổ tận gốc những cây nhiễm bệnh và những cây xung quanh đó, sau đó trực tiếp đốt đi để tránh lây lan. Song, khả năng phòng bệnh cũng chỉ được hơn 50%.

Để tránh tình trạng này, ông lên kế hoạch chỉ trồng mì 2 năm, sau đó chuyển sang trồng mía 1 năm. Quy trình cứ như vậy xoay lại nên hạn chế thấp nhất khả năng lây bệnh trên diện rộng của cây mì, ông Ten đúc kết.

Mùa hạn về, để có nước tưới tiêu cho hơn 10ha mía và hơn 5ha mãng cầu, ông cùng hai người con trai tự đi mua về mà lắp hệ thống tưới tiêu tự động cho những loại cây trồng này. Con trai ông kể, bố tôi giỏi lắm, hệ thống tưới tiêu này đều là do ông tự mày mò và thiết kế cả đấy. Tuy chưa hiện đại như người ta làm là cảm ứng tự động với thời tiết nhưng cũng chỉ cần mở van tưới là được. Vì vậy những khi trời nắng gắt nhiều ngày, chỉ cần 1 nhân công đi mở van tưới là được chứ không cần tốn nhiều nhân công để kéo ống tưới nước như trước…

Hiện tại, số tiền lãi hàng năm của gia đình ông Ten chỉ hơn 2 tỷ đồng/năm. Nếu so ra với quỹ đất mà gia đình ông có thì số tiền này chẳng là gì, thậm chí có thể nói là ông đầu tư kém hiệu quả. Thế nhưng, nếu tìm hiểu kỹ mới biết ông đang còn giữ “của để dành” với hơn 70ha rừng gỗ quý có tuổi đời trên 20 năm. Còn lại thì hơn 40ha cao su cũng đang được ông “cho vào tầm ngắm” là phá đi để trồng rừng. Ông tâm sự, tôi chưa bao giờ nghĩ đến hai chữ “thu lợi” từ cánh rừng mà mình đang sở hữu cả.

Tác giả: TBMO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập19
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm18
  • Hôm nay2,852
  • Tháng hiện tại52,152
  • Tổng lượt truy cập2,605,177
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây