Một sáng cuối năm, khi cơn áp thấp muộn màng còn để lại dư vị ẩm ướt trên cây cỏ, đất đai, tôi tìm đến anh. Căn nhà nhỏ ấm cúng nằm ở khu phố 4 thị trấn Dương Minh Châu khá yên tĩnh. Đối diện là xưởng "chế tác" ngổn ngang những thân, gốc gỗ lũa hình dạng kỳ quái sẩm màu thời gian. Lọt thỏm giữa bề bộn tranh, tượng, anh đang thả hồn vào những nhát đục tỉ mẫn trên một tác phẩm điêu khắc dở dang. Mùi gỗ, mùi véc-ni, mùi sơn sực nức không gian. Những hình người, vật, cây hoa phủ lớp bụi mỏng mờ mờ tạo cho ta cái cảm giác như đang lạc vào một thế giới kỳ lạ nửa thực nửa hư.
Pá Cường là bút danh, còn tên thật của anh là Phạm Bá Cường. Nhìn vóc dáng thư sinh pha lẫn một chút phong trần, cách nói chuyện cởi mở, hiền lành không ai nghĩ anh đã ở vào tuổi bốn mươi tư. Bên ly trà đậm đà hương vị bắc, cuộc trò chuyện của chúng tôi khá lý thú.
Ảnh: Nghệ sỹ Phan Bá Cường đang tác nghiệp tác phẩm chào xuân mới
Sinh ra và lớn lên ở Bàu Năng, Dương Minh Châu, năng khiếu hội họa của anh đã bộc lộ rất sớm, từ những năm còn đang học phổ thông. Tốt nghiệp lớp sư phạm cấp tốc ra trường về dạy ở Tân Biên, nhưng chỉ hai năm sau anh xin nghỉ việc để đeo đuổi theo nghiệp vẽ. Nhà nghèo, đông anh em, cha mất sớm, điều kiện kinh tế không cho phép anh đến những lớp đào tạo chính quy. Anh chọn con đường đi riêng, vừa làm vừa học. Hơn mười năm lăn lộn với nghể vẽ, từ anh thợ học việc kẻ vẽ quảng cáo, pano, ap-phích lên đến thợ chính, rồi mở tiệm riêng cho đến khi trở thành một trưởng phòng thiết kế cho một công ty lớn anh đã để lại nhiều dấu ấn nghề nghiệp ở một số nơi như công ty Du lịch cáp treo núi Bà, Ủy ban Dân số- Kế hoạch hóa gia đình, Sư đoàn BB5, sơ đồ quy hoạch khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, mô hình chuyển động khu du lịch cáp treo, máng trượt núi Bà… Thế rồi trong một chuyến đi công tác cho đơn vị, tình cờ anh ghé vào cơ sở điêu khắc gỗ ở Lâm Đồng và những thân, gốc cây khô được các bàn tay người thợ chế tác thành những sản phẩm tinh tế, sống động đã hút hồn anh. Chợt nhớ đất Tây Ninh không thiếu gì loại nguyên liệu này, thế là anh quyết tâm đến với nghề điêu khắc gỗ. Nghề không phụ người có ý chí, lòng đam mê và sự tài hoa, sản phẩm điêu khắc gỗ của anh đã đến với người thưởng lãm trong và ngoài tỉnh, được công chúng đón nhận, giúp anh có thu nhập ổn định cuộc sống mà an tâm theo đuổi con đường nghệ thuật. Năm 2013, sau triển lãm mỹ thuật khu vực Đông Nam bộ lần XVIII, anh được kết nạp vào phân hội mỹ thuật thuộc Hội văn học – nghệ thuật tỉnh Tây Ninh. Như cá gặp nước, nhiều tác phẩm hội họa, điêu khắc của Bá Cường liên tục xuất hiện trong các đợt triển lãm quan trọng của khu vực và cả nước. Tên anh đã bay xa, tạo được những dấu ấn tốt đẹp đối với giới chuyên môn và người thưởng lãm trong và ngoài tỉnh. Ngày 12/10/ 2016 anh vinh dự được xét kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Công việc thường ngày của Bá Cường theo cách nói vui của anh là "ngày soi mói, tối chọc châm". Anh bảo, nếu điêu khắc là việc đem lại kinh tế cho gia đình thì vẽ tranh châm biếm là cuộc dấn thân của người nghệ sĩ. Với anh, vẽ tranh châm biếm cũng là một dạng phản biện xã hội theo cách tích cực nhưng có nhiều bất trắc bởi nó chạm đến những vấn đề nhạy cảm. Anh ví von nó giống như đèn vàng trong tín hiệu giao thông ở các giao lộ. Trên bức tường ở phòng khách nhà anh, cụm tranh châm biếm khá đẹp vẽ bằng phương pháp đồ họa được treo một cách trang trọng.
Kết thúc buổi chuyện trò, khi tôi hỏi về những dự định tương lai, anh trăn trở: "Người nghệ sĩ nói chung ai cũng ước mơ là có những tác phẩm để đời. Mình đang ấp ủ một dự định về việc tạo ra những sản phẩm mỹ nghệ đặc sắc, mang nét đặc trưng văn hóa của tỉnh Tây Ninh nói chung, huyện Dương Minh Châu nói riêng để phục vụ cho khách du lịch đến địa phương. Đó là những sản phẩm với nguyên liệu có thể sản xuất đại trà nhưng vẫn mang dấu ấn bàn tay con người trên từng đơn vị sản phẩm".
Vào những ngày cuối năm vừa qua, họa sĩ Bá Cường đã có một việc làm thật ý nghĩa. Anh đã tặng tác phẩm điêu khắc gỗ mang tên "Cây nhân ái" cho trường THPT Dương Minh Châu, ngôi trường anh đã từng học, nhân dịp họp mặt các cựu học sinh lớp 12 khóa học 1996-1997. Tác phẩm được bán đấu giá với số tiền lên đến 45 triệu đồng và được trao hết cho "Quỹ học bổng học sinh nghèo hiếu học" của trường.
Nghe đâu đó mùa xuân đang về thật ấm áp và nồng nàn.
Tác giả: Phước Hội (nguồn DMC ngày nay)
Ý kiến bạn đọc