Dương Minh Châu- những nước cùng non

Thứ tư - 25/01/2017 13:44 566 0
Khoảng 200 năm trước đây, Quan Hiệp tổng trấn thành Gia Định Trịnh Hoài Đức đã viết tác phẩm đến nay vẫn còn nổi tiếng. Đấy là cuốn sách Gia Định thành thông chí. Ở đầu quyển 2, Sơn Xuyên chí có đoạn: “Núi là xương của đất, nước là máu của đất, ấp ủ lưu thông để làm ra đất đai một phương. Những người anh hùng hào kiệt, trung thần liệt nữ cũng từ đó mà sinh ra…” khi ấy, đầu thế kỷ 19, Tây Ninh còn là đạo Quang Phong của trấn Phiên An thuộc phủ thành Gia Định. Như thế là, người xưa đã đặc biệt quan tâm đến không chỉ đất đai; mà còn phải thế núi, hình sông ở đấy. Để rồi từ đất đai sông núi mà dựng lên Xã tắc, Sơn hà…
Khoảng 200 năm trước đây, Quan Hiệp tổng trấn thành Gia Định Trịnh Hoài Đức đã viết tác phẩm đến nay vẫn còn nổi tiếng. Đấy là cuốn sách Gia Định thành thông chí. Ở đầu quyển 2, Sơn Xuyên chí có đoạn: “Núi là xương của đất, nước là máu của đất, ấp ủ lưu thông để làm ra đất đai một phương. Những người anh hùng hào kiệt, trung thần liệt nữ cũng từ đó mà sinh ra…” khi ấy, đầu thế kỷ 19, Tây Ninh còn là đạo Quang Phong của trấn Phiên An thuộc phủ thành Gia Định. Như thế là, người xưa đã đặc biệt quan tâm đến không chỉ đất đai; mà còn phải thế núi, hình sông ở đấy. Để rồi từ đất đai sông núi mà dựng lên Xã tắc, Sơn hà…

Cuối năm 2016, tôi vào thăm vùng hồ Dương Minh Châu một chuyến. Ráng tìm tới Đồi thơ để còn "vĩnh biệt" Đồi thơ. Bởi nghe nói đất đồi ấy nay đã quây kín rào vì thuộc về Doanh nghiệp. May mà anh giám đốc còn trẻ đã "linh động" cho vào. Quả nhiên, Đồi thơ đã lại sắp trở về với đất. Những tấm đá cẩm thạch khắc thơ đã vỡ, hoặc bong ra. Thơ cũng bị rêu phong phủ kín trên vài tấm còn lành lặn. May vẫn còn phủi đất bụi ra, đọc được một bài Thề Non Nước của Tản Đà: "Nước non nặng một lời thề/ Nước đi, đi mãi chưa về cùng non/ Nhớ lời nguyện ước thề non/ Nước đi chưa lại non còn đứng trông".

Thì bài thơ tuyệt tác này cũng chỉ có hai từ: Non, Nước.

 

dmc 222.png

          

        Có lẽ cả miền đất Nam bộ này, chẳng có nơi nào mà bài thơ hợp tình hợp cảnh như ở đây, vùng hồ Dầu Tiếng. Bờ đập chính, một bên mênh mông như biển. Bên Kia, lũ xả băng băng như cả bầy ngựa trắng tung vó dựng bờm. Trước mặt là núi Cậu mờ giăng sương tím. Về bến Đá đầu thị trấn Dương Minh Châu đã thấy núi Bà Đen dâng đầy trước mặt. Qua đoạn có rừng dầu lịch sử, thì một bên miên man rừng, bên kia mênh mông nước bạc…Hỏi có nơi nào "Giang Sơn Cẩm Tú" toàn bích như miền đất nước này không?

          Chẳng nói thì ai cũng biết cái hồ Thủy lợi lớn nhất Đông Nam Á này, hầu hết nằm trọn vẹn trên đất huyện Dương Minh Châu thuộc tỉnh Tây Ninh. Vậy mà đã có lần các giáo sư tiến sĩ đầu râu tóc bạc lại "tham mưu" sai cho cuộc thi "Đường lên đỉnh Ôlimpia" trên VTV3 năm 2016. Câu hỏi: Hồ Dầu Tiếng thuộc tỉnh nào? Câu trả lời: thuộc tỉnh Bình Dương! Thật đáng buồn cho các vị "Tóc râu" này quá!

         Có phải vì quá yêu miền đất này không, mà nhà văn Nguyễn Đức Thiện - người con của đất Thanh Hóa, Thái nguyên lại cứ đòi vào đây dưỡng bệnh. Để còn nghe, như trong một bài thơ anh viết: "tiếng chim hót lúc sớm mai" ríu rít trong rừng lịch sử, nơi anh sống lúc cuối đời. Yêu Dương Minh Châu nên có đến phần lớn tác phẩm của anh là viết về Con người và vùng đất nước Dương Minh Châu. Từ ông Ba Láng xứ Chà Là, đội Du kích thiếu nhi Cầu Khởi cho đến cả một tiểu thuyết về vùng đất đã vĩnh viễn chìm trong hồ nước…

 

ho nuoc.png

          

       Chuyến đi cuối năm của tôi. Ngoài chuyến thăm lại đồi thơ thì cũng còn một chú ý nữa là xem hồ mùa nước lũ. Khi ấy mặt nước dâng đến cao trình 24.60m, phải xả lũ 300m3/s ở đập chính. Cứ tưởng rằng sẽ gặp một khung cảnh ấn tượng như kiểu Thủy điện Hòa Bình. Từ cửa cống xả, nước phun vọt ra như một cầu vồng nước rồi đổ xuống chiều cao vài chục mét. Nên, nước tung tóe mịt mù như một biển mây. Nay ở cửa xả đập chính Lòng hồ này, lại thấy hiền lành quá đỗi. Bên miệng xả vẫn là một dòng xiết chảy, đập vào những dải bê tông cuộn tung lên trắng xóa. Nhưng ta- luy miệng xả thật thoải, nên không cho ta hình dung về thác đổ. Qua một cua quẹo lô xô sóng dậy, là nước trở lại hiền từ một dòng xanh hối hả về xuôi.

           Bên hồ thì khỏi nói rồi! cao trình ấy chỉ làm mặt hồ thêm mênh mông trải ra tít xa rồi lẫn vào sương trắng. Dấu vết mùa lũ chỉ có ở những đám xác  cây mì (sắn) tụ lại bên chân đập phụ, có nơi rộng vài chục mét. Có phải là nước dâng đã bứt những cây mì trên các hòn đảo của Lòng hồ, rồi trôi dạt về đây. Trên bờ đập phụ, ngoài sự tất bật của mấy bến ghe kiêm vựa cát hối hả xe tải ra vào và ồn ào máy bơm máy xúc thì hoàn toàn phẳng lặng, yên bình. Chỉ thỉnh thoảng một chiếc vỏ lãi ré lên, xé nước phóng trên mặt nước. Bờ đập cũng xôn xao ở vài nơi mua bán cá. Lũ lên, cá cơm trắng xóa các thùng, hộp xốp buộc vào xe máy chở đi. Từ bờ đập ngang qua xã Phước Minh nhìn vào, đã thấy có thêm nhà máy chế biến mì, vài xóm dân cư đã đông đúc hơn với nhà cao, nhà thấp. Trâu đi từng đàn đất bùn lấm láp, vẫn lộ ra màu bóng đen những mông ức tròn căng. Lạ lẫm nhất có lẽ là những nhà nuôi chim yến. Nhà ba, bốn tầng cao xám màu lô cốt, trên có trụ loa ríu rít tiếng chim. Và dĩ nhiên là, chim yến chung quanh bay tíu tít.

              Xin trở lại với núi Bà thôi, bởi núi lúc nào cũng như ở bên cạnh tôi trên suốt chặng đường vào Dương Minh Châu. Và từ ga cáp treo của núi, ta cũng nhìn thấy dung nhan Dương Minh Châu rõ nhất. Vẫn là Lòng hồ bừng sáng chan chảy miên man, lóe nắng mặt trời. Và liền ngay dưới chân núi phía Đông là những ô xanh, vàng, nâu của đồng đất Dương Minh Châu, các xã Phan, Bàu Năng, Suối Đá. Ngay nơi có cái hồ nước xinh xinh như một chiếc gương trời kia là đường vào căn cứ Suối Môn của lực lượng cách mạng Dương Minh Châu những năm kháng chiến. Chính là núi Bà đã chở che cho dân quân Dương Minh Châu và Tây Ninh đánh giặc. Ngày nay thì đá núi góp phần ghi công đất và người Dương Minh Châu trên khắp mọi nẻo đường trong huyện. Cứ nơi nào có bia, đài kỷ niệm thì dừng lại mà xem. Toàn là đá núi Bà Đen. Và chữ khắc lung linh trên từng thớ đá. Bia ở gần cầu kênh K13 có thêm một gốc ruối già. Người xe đi qua đông đúc thế, mà chim cứ tụ về làm tổ. Ngạc nhiên chưa!

 

Bien ho.png

            

           "Núi là xương của đất, Nước là máu của đất". Câu này nghe tưởng như Trịnh Hoài Đức viết về miền đất Tây Ninh ta thì phải! Một bên sông Sài Gòn, xưa gọi là Thanh Lưu, Đục Giang; phía tây là sông Vàm Cỏ Đông, xưa gọi là sông Quang Hóa. Núi Bà Đen cao gần một cây số đột khởi mọc lên giữa đồng bằng. Nhưng, còn một mạch ngầm núi và nước mà có thể con người chưa biết. Mới lộ lên gần đây, sau khi cấm khai thác đá núi Bà, thì đã có mỏ đá Lộc Ninh cũng trên đất Dương Minh Châu. Có phải đấy cũng là một mạch ngầm của núi Bà Đen. Nếu như phần lớn các huyện thành trong tỉnh đều nằm trên lưu vực Vàm Cỏ Đông, thì chỉ riêng Dương Minh Châu là nằm trọn vẹn trên lưu vực sông Sài Gòn, ở phía bờ tây, hữu ngạn. Dù đã ngăn dòng, đắp đập nhưng sông Sài Gòn, Thanh Lưu xưa vẫn bình thản chảy trôi qua các xã Phước Ninh, Phước Minh, Bến Củi, làm nên những nương rẫy ruộng vườn tươi tốt một thềm sông.

             Và không chỉ thế! Công trình thủy lợi vĩ đại Lòng hồ kia còn đẻ ra thêm những dòng sông mới để "ấp ủ lưu thông, làm ra đất đai" Dương Minh Châu nhiều hơn nữa. Đấy là kênh Tây vắt ngang qua các xã Suối Đá, Phan, Chà Là, Bàu Năng. Là kênh Đông chảy dọc Phước Minh, Bến Củi, Lộc Ninh, Truông Mít trước khi qua Trảng Bàng rồi xuống Củ Chi đất thép. Vậy là đủ khăp các xã của Dương Minh Châu rồi nhé! Nước thấm thía đất đai, nên đi dọc các tuyến kênh này nơi nào cũng xanh tươi ngút ngát. Này đây là cao su bát ngát đôi bờ kênh đông các xã Bến Củi, Phước Minh. Rồi triền miên rẫy mía nương mì, vườn mãng cầu ở Phan hay Suối Đá…Này đây là rẫy ruộng đậu rau bát ngát Bàu Năng, Chà Là dọc đường 784, xưa từng là con đường Sứ. Bờ đập tràn hoa cỏ hôi cho dê tha hồ gặm cỏ. Tới Lộc Ninh gặp mênh mông rẫy nhãn vườn dừa. Nơi nào thấy lúa vàng mơ, thì chắc chắn là một năm ba vụ lúa. Qua Truông Mít cuối xuân đầu hè thế nào cũng ngỡ ngàng vì những bàu ao nở đầy bông súng. Tôi đã gặp một cô hái hoa súng trên đầm trước đình Truông Mít. Để khi về rồi cứ ngơ ngẩn đọc đến thuộc ba câu thơ của Chế Lan Viên viết về đóa súng hồng: "Hồng tưởng như chưa có môi nào hồng vậy/ Để đến nỗi anh qua rồi còn quay ngoắt lại/ Hỏi hoa súng hồng, em có phải hoa không?"

           Tất cả những điều kỳ diệu kể trên đều là nhờ Nước, Non Dương Minh Châu và những Con Người Dương Minh Châu yêu Đất, Nước. Nước cũng như nước mắt, cứ chảy xuôi có trở lại bao giờ! Để cho núi vẫn còn đứng trông theo mãi mãi. Nhưng nước ra đi đã mang theo hình "bóng núi quê hương" (nhà văn Phước Hội) để đi ra biển lớn hòa nhập vào mênh mông.

Tác giả: Nguyễn Quốc Việt (nguồn: DMC ngày nay)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập191
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm190
  • Hôm nay1,116
  • Tháng hiện tại67,561
  • Tổng lượt truy cập2,696,772
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây