Xây dựng văn hóa liêm chính trong mỗi cán bộ, đảng viên

Thứ năm - 13/04/2023 11:07 148 0
Có những con số nhức nhối về sự bất liêm, bất chính trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Xây dựng văn hóa liêm chính trở nên vô cùng cấp bách hơn lúc nào hết và phải làm cho bằng được, vì đây là danh dự, uy tín của Đảng, Nhà nước và Quốc thể Việt Nam.

28.900.000 kết quả khi tìm kiếm trên mạng xã hội về từ khóa “văn hóa liêm chính” đã cho thấy xu hướng quan tâm của báo chí, dư luận hiện nay khi nói liêm chính, nói đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta.

Liêm chính là trong sạch, không tham lam, không tham ô, luôn tôn trọng, giữ gìn tài sản của công của nhân dân; ngay thẳng, đứng đắn, việc phải dù nhỏ cũng làm, việc trái dù nhỏ cũng tránh. 

Nhiều người cho rằng, văn hóa liêm chính hiện giờ có nguy cơ không còn nữa, vì chẳng mấy người còn liêm chính. Điều đó có đúng không, vai trò của văn hóa liêm chính, làm gì để xây dựng được văn hóa liêm chính?

Liêm chính là mục tiêu phấn đấu của mỗi cán bộ, đảng viên

Liêm chính là mục tiêu phấn đấu, đồng thời là hàn thử biểu về sự trong sạch, vững mạnh của Đảng. Liêm chính là thước đo về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc hoàn thành nhiệm vụ của người cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: Liêm “là trong sạch, không tham lam”, là “không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng”. Chính “nghĩa là không tà, là thẳng thắn, là đứng đắn”. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người mẫu mực “Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khổ không thể lay chuyển, uy lực không thể khuất phục”. Người luôn nêu gương “chí công vô tư”, cả đời gương mẫu mực thực hành cần, kiệm, liêm, chính. Bởi Người thấm và từng dẫn lời Khổng Tử, rằng “người mà không liêm, không bằng súc vật” và lời của Mạnh Tử, rằng “ai cũng tham lợi, thì nước sẽ nguy”. 

Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc căn dặn người cách mạng phải “ít lòng ham muốn về vật chất”. Không đơn thuần là của cải, người cán bộ phải chế ngự lòng tham về mọi phương diện, tức “Không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”. Người nhấn mạnh: Bất kể ai trong hệ thống công quyền cũng đều phải thực hành liêm chính, nhưng người lãnh đạo phải là tấm gương về sự liêm chính. “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, nếu người đứng đầu mà không chính thì ở dưới sẽ “quân hồi vô phèng”; nếu người quản lý không liêm, tất cả sẽ thi nhau “xà xẻo” của công và của dân. 

Văn hóa liêm chính hiện nay ra sao? 

Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra ngày 30-6-2022, cho biết: Trong giai đoạn 2012-2022, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (cao hơn gấp 4 lần so với nhiệm kỳ khóa XI và bằng gần một nửa số cán bộ cấp cao bị xử lý của nhiệm kỳ khóa XII), trong đó có 8 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng. 

Trong 10 năm qua, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm gần 16.000 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế với hơn 30.300 bị cáo. Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo gần 1.000 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ; trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 313 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 120 vụ án, 1.083 bị cáo, trong đó có 37 cán bộ diện Trung ương quản lý, bị xử lý hình sự (1 Ủy viên Bộ Chính trị, 10 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 6 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, 13 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang...). Có nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý hình sự, kể cả Ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng, thứ trưởng, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang.

Đây là những con số nhức nhối về sự bất liêm, bất chính trong cán bộ, đảng viên. Nó là hậu quả trực tiếp của sự suy thoái về tư tưởng, chính trị. Sự bất liêm, bất chính này đã làm băng hoại không ít cán bộ, đảng viên nhưng quan trọng hơn nó làm lung lay liêm sỉ của cán bộ, đảng viên, uy tín của tổ chức, của Đảng và làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào bộ máy chính quyền, vào chế độ. Vì thế, hiện nay, xây dựng và phát triển văn hóa liêm chính trở nên vô cùng cấp bách hơn lúc nào hết! 

Có ngăn ngừa được bất liêm, bất chính không? 

Phải làm và làm bằng được. Một dân tộc biết liêm sỉ là một dân tộc văn minh, tiến bộ. Cha ông ta đã rất coi trọng việc giữ gìn danh dự, liêm sỉ. Người liêm khiết thì luôn giữ cho nhân cách mình được vẹn toàn, thanh danh mình được thơm tho, không lợi dụng địa vị mình để “chiếm công vi tư”. Trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta, có một văn hóa liêm chính được đúc kết bằng các câu tục ngữ, như: “Đói cho sạch, rách cho thơm/ Chớ có bờm xôm, để đời tiếng xấu”; hay “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”; hay “Áo rách cốt cách người thương”. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã viết một câu đáng để đọc về đạo làm quan: “Nghĩ mình phương diện quốc gia/ Quan trên trông xuống, người ta trông vào”. Con người cách mạng nói như nhà thơ Tố Hữu trong tác phẩm “Con cá chột nưa”:  “Danh dự của riêng thân/ Là của chung đồng chí/ Phải giữ gìn tỉ mỉ/ Như tròng mắt con người…”.

Vấn đề liêm chính cũng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến nhiều lần trong các hội nghị của Trung ương Đảng khi nói về công tác xây dựng Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng: Phải kiên trì giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đức tính liêm khiết, chính trực; xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực. Mọi cán bộ, đảng viên phải ghi nhớ sâu sắc lời căn dặn của Bác Hồ rằng: Đảng ta là đảng cầm quyền; Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Đảng phải luôn luôn dựa vào Dân, lắng nghe Dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; việc gì có lợi cho Dân thì phải hết sức làm và làm cho bằng được; ngược lại, việc gì có hại cho Dân thì phải hết sức tránh. Việc gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm. Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực…

Trong công tác tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng văn hóa liêm chính. Việc giáo dục này phải thực hiện bắt đầu từ bậc mầm non, sao cho mỗi người biết trọng liêm sỉ, giữ liêm chính. 

Mặt khác, phát hiện, cổ vũ, phát triển và lan tỏa mạnh mẽ những tấm gương liêm chính. Mọi cán bộ, đảng viên phải tự răn mình và giữ cho được văn hóa liêm chính. Giữ liêm chính là giữ danh dự, giữ liêm sỉ của chính mình; rộng hơn là giữ Quốc sỉ, bảo vệ danh dự và uy tín đất nước. 

Đồng thời, xây dựng và phát triển mỗi tổ chức đảng, mỗi cơ quan, đơn vị thật sự là một môi trường văn hóa tiêu biểu về liêm chính. Đó cũng chính là việc thực hành đạo đức trong Đảng và hệ thống chính trị, để Đảng thật sự tiêu biểu cho “trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại”, thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng “là đạo đức, là văn minh”. Đó chính là văn hóa chính trị của Đảng ta, của mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta trên nền tảng văn hóa dân tộc tốt đẹp, phù hợp với văn hóa tiến bộ của nhân loại.  

Đổi mới, phát triển và hoàn thiện thể chế từ trong Đảng tới hệ thống chính trị, nâng cao sự giám sát của nhân dân, đặc biệt có chế tài xử lý nghiêm minh những người, những tổ chức bôi nhọ liêm sỉ và vi phạm liêm chính.

Liêm chính là nét đẹp văn hóa Việt Nam. Từ mỗi con người, mỗi gia đình, từng dòng họ tới tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị tới toàn xã hội phải giữ gìn, bảo vệ và phát triển văn hóa liêm chính. Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục nêu gương trên phương diện này. Đó chính là danh dự và uy tín của Đảng, của Nhà nước và Quốc thể Việt Nam trước cộng đồng thế giới. 

Tháng 6-2022

(Tác phẩm đoạt giải ba Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ 2 năm 2022, do Ban Chỉ đạo 35, Tỉnh ủy Bình Phước tổ chức).

Tác giả: Minh Nhâm - Hoàng Thu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập38
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm37
  • Hôm nay810
  • Tháng hiện tại67,255
  • Tổng lượt truy cập2,696,466
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây