Những đối tượng thù địch, cơ hội cho rằng: Chống tham nhũng, tiêu cực sẽ tạo ra những xáo trộn, gây bất ổn trong hệ thống chính trị và tạo dư luận râm ran trong quần chúng nhân dân; làm mất tính ổn định, liên tục của hệ thống chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tốn công sức, thời gian, tiền bạc. Và đặc biệt, chống tham nhũng thì cả bên chống và những cán bộ trót đã “nhúng chàm” nhưng chưa bị phát hiện, chưa bị phanh phui đưa ra ngoài ánh sáng sẽ không toàn tâm, toàn ý cho công việc, sẽ xao nhãng việc kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, do đó làm chậm sự phát triển của đất nước. Hay, chống tham nhũng càng hiệu quả thì cán bộ bị xử lý càng nhiều sẽ dẫn tới thiếu hụt nguồn cán bộ, làm nhụt ý chí làm việc của cán bộ vì tâm lý e sợ, dè chừng, sợ sai phạm, không dám sáng tạo, thu mình, cầu toàn, do đó mà mất động lực phát triển. Thậm chí có kẻ còn cho rằng, chống tham nhũng thực chất là thanh trừng, đấu đá nội bộ, triệt hạ nhau để dọn đường cho phe cánh mình tiến thân trong nhiệm kỳ tới.
Thực tế, cuộc chiến chống tham nhũng mà Đảng ta tiến hành nhiều năm qua, mà quyết liệt nhất là từ năm 2013 - từ khi Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa XI) quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) - đến nay đã thu được nhiều kết quả rất to lớn. Công tác PCTN, tiêu cực đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Với quan điểm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Cuộc chiến chống tham nhũng đã lấy lại niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ. Đây là cái được lớn nhất, bởi có dân là có tất cả. Nhân dân tin tưởng, đi theo Đảng thì các chủ trương, chính sách, đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước sẽ được triển khai rất thuận lợi, đạt hiệu quả cao. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành, tuyệt đại đa số ý kiến của người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh PCTN, khiến mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực xấu, thù địch đều trở nên vô nghĩa.
Chống tham nhũng hiệu quả sẽ tạo nên sự minh bạch trong các chính sách kinh tế, tài chính của Đảng, Nhà nước, điều này là vô cùng quan trọng đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài. Chống tham nhũng hiệu quả sẽ làm trong sạch hệ thống chính trị, loại bỏ cán bộ thoái hóa, biến chất, không tận tâm, tận lực với công việc mà chỉ chăm chăm lo thu vén cá nhân; sẽ tạo ra lớp cán bộ mới dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, là cầu nối để các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước sớm được triển khai trong thực tế đời sống, sớm đến được với quần chúng nhân dân. Chống tham nhũng hiệu quả đồng thời sẽ thu hồi được các nguồn vốn, tài nguyên lớn cho quốc gia, phục vụ nhiệm vụ xây dựng đất nước. Theo thống kê, từ năm 2013 đến nay, qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000 ha đất.
Chống tham nhũng hiệu quả chính là diệt trừ tận gốc “giặc nội xâm” - một loại giặc tàn phá rất lớn đất nước từ bên trong. Lênin từng nói, không ai có thể tiêu diệt được chủ nghĩa cộng sản ngoại trừ chính bản thân những người cộng sản; còn Chủ tịch Hồ Chí Minh thì khẳng định: Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân và của Chính phủ, là “giặc ở trong lòng”, là “giặc nội xâm”. Thực tế đã chứng minh rằng, chẳng những chúng ta chống tham nhũng hiệu quả mà chúng ta còn đạt được những kết quả to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước. Nếu lấy 2013 là năm bắt đầu cuộc chiến chống tham nhũng thì cũng từng ấy năm, kinh tế - xã hội của đất nước liên tục phát triển. Đặc biệt, hai năm 2020 và 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành và tàn phá dữ dội nền kinh tế thế giới, đại đa số các quốc gia không tăng trưởng hoặc tăng trưởng âm, nhưng nền kinh tế của chúng ta vẫn phát triển, tăng trưởng dương với các con số tương ứng là 2,91% và 2,58%. Đặc biệt, năm 2022, cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng ta đã ghi những dấu mốc ấn tượng, đồng thời kinh tế đất nước cũng có bước phát triển ngoạn mục với tốc độ tăng trưởng ước đạt khoảng 8% (vượt chỉ tiêu đề ra là từ 6-6,5%). Chúng ta đã vượt qua Philippines để trở thành nền kinh tế lớn thứ tư Đông Nam Á, lọt top 30 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Vậy thì, nói chống tham nhũng sẽ kiềm hãm, làm chậm sự phát triển của đất nước là đúng hay sai? Đương nhiên, đó là cách nói hàm hồ, xuyên tạc, bịa đặt, thiếu suy nghĩ của các thế lực thù địch, phản động. Còn về ý kiến cho rằng “kỷ luật nhiều cán bộ như vậy thì lấy ai để làm việc”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, không lo không có cán bộ làm việc, vì khi cán bộ không những vi phạm pháp luật mà còn sai cả về đạo lý thì không thể không xử lý. Quan trọng là chúng ta phải chọn đúng cán bộ thay thế, phải làm thật chính xác, chín chắn, không được vội vàng.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, PCTN, tiêu cực là cuộc chiến đúng đắn, đã trở thành xu thế không thể đảo ngược. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 10-4-2018 thì trong cuộc chiến này, nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm.
Tác giả: Theo H.L
Ý kiến bạn đọc