Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân

Thứ ba - 17/09/2024 20:56 93 0
Tham nhũng, tiêu cực là hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của đất nước; làm cho kinh tế chậm phát triển, thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước, của Nhân dân; gây rối loạn nền kinh tế, nguy hại hơn làm xói mòn lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, trong những năm gần đây, tệ tham nhũng, tiêu cực đã và đang trở thành mối đe dọa đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, Đảng ta xác định tệ tham nhũng, tiêu cực là một trong bốn nguy cơ làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa.
 
Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, thành xu hướng không thể đảo ngược, được đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân đánh giá cao, bạn bè quốc tế ghi nhận”, đồng thời, xác định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ lâu dài.
Trong những năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chuyển biến mạnh mẽ, gắn kết chặt chẽ giữa "xây" và "chống", ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang đứng trước những nguy cơ và thách thức lớn. Tình hình tham nhũng trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi; tình trạng nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp vẫn còn khá phổ biến, gây bức xúc trong xã hội…


Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 là tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và công tác dân vận của Đảng. Nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII là tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm", những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. 

Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 11/10/2023 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030 đã xác định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, được tiến hành mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; lấy phòng ngừa là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách, đột phá; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa, phát hiện, xử lý và sử dụng đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự…

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lấy phòng ngừa là cơ bản, lâu dài và sử dụng đồng bộ các biện pháp, trong đó có biện pháp tư tưởng. Chính vì vậy, tuyên truyền, giáo dục là một trong những giải pháp căn bản để nâng cao nhận thức, ý thức, xây dựng đạo đức, văn hóa liêm chính, chống tha hóa, biến chất. Đặc biệt, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng bởi công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật không những góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật mà còn thúc đẩy sự tự giác, thống nhất cao về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân đã yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp, các ngành xác định rõ phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. 
Những năm qua, các cấp, ngành trong tỉnh đã triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng bằng nhiều hình thức đến với mọi đối tượng, như: Tuyên truyền pháp luật miệng, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, phát hành tài liệu tuyên truyền, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng… Đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tuyên truyền pháp luật trên mạng xã hội (zalo, facebook, fanpage) đã kịp thời tuyên truyền, phổ biến sâu rộng pháp luật về phòng, chống tham nhũng đến với  cán bộ và Nhân dân địa phương.


Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng; các cấp, ngành cần đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả một số giải pháp sau:

Tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, quán triệt và triển khai có hiệu quả Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân gắn thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về các quan điểm, quy định, nhiệm vụ của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; trước hết là sự gương mẫu của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Quán triệt việc thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kết luận, chương trình, văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Chủ động công khai, cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là về kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, xử lý cán bộ, công chức, viên chức vi phạm; về khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, những cá nhân tiêu biểu trong công tác phòng, chống tham nhũng; bảo vệ, khen thưởng, động viên những người tích cực, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng.
Đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, áp dụng các hình thức sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ, phát huy các mô hình, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả, phù hợp với đối tượng, địa bàn và nhu cầu của Nhân dân. Đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng vào các chương trình giảng dạy trong hệ thống cơ sở giáo dục; lồng ghép vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa. Kết hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng với thi hành pháp luật, đấu tranh, phê phán những hành vi tiêu cực, tham nhũng…


Tuyên truyền kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng chỉnh đốn Đảng gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; động viên cán bộ, đảng viên và Nhân dân tự phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống, đặc biệt là đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng.
Thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao trách nhiệm của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng; phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn để thông qua đội ngũ này đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng một cách sâu rộng trong cán bộ và Nhân dân. Quan tâm đảm bảo kinh phí cho các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói riêng.


Việc triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng sẽ là tiền đề, cơ sở quan trọng để đưa các quy định của pháp luật phòng, chống tham nhũng đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Qua đó, góp phần đấu tranh ngăn chặn, từng bước đẩy lùi các hành vi tham nhũng, tiêu cực, thúc đẩy kinh tế - xã hội không ngừng phát triển, đảm bảo trật tự, an ninh xã hội được giữ vững, đời sống Nhân dân cả nước nói chung, nhân dân tỉnh nhà nói riêng ngày một nâng cao./.

Tác giả: PTP

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập201
  • Hôm nay1,789
  • Tháng hiện tại68,234
  • Tổng lượt truy cập2,697,445
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây