ĐỀ CƯƠNG HỎI-ĐÁP TIẾP TỤC TUYÊN TRUYỀN LUẬT TRẺ EM NĂM 2016

Thứ hai - 02/11/2020 15:13 298 0
Luật Trẻ em được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII thông qua vào ngày 05 tháng 4 năm 2016. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2017.

Trẻ em là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần nhưng không phải là người không biết cảm nhận được về sự an toàn hay nguy hiểm. Do đó, khi trẻ được sống trong một môi trường được bảo vệ, trẻ sẽ được tự do phát triển lành mạnh, tự do học tập, vui chơi mà không phải đề phòng hay sợ hãi trước những mối nguy hiểm luôn rình rập, ập đến bất kỳ lúc nào và đương nhiên, trẻ sẽ có cơ hội phát triển hết khả năng, tài năng, trí lực và tình cảm trong sáng để đến với xã hội với những phẩm chất tốt đẹp.

Luật Trẻ em được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII thông qua vào ngày 05 tháng 4 năm 2016. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2017 đã kế thừa những quy định cơ bản của Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, đồng thời sửa đổi, bổ sung rất nhiều quy định mới nhằm cụ thể hóa Hiến pháp 2013, Công ước Quyền trẻ em và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, phát triển của trẻ em trong giai đoạn hiện nay.

Để Luật trẻ em thiết thực đi vào thực tế đời sống người dân, Phòng Tư pháp phối hợp biên soạn một số dạng câu hỏi và trả lời dạng hỏi-đáp để phổ biến đến Nhân dân, cụ thể như sau:

Câu 1: Theo pháp luật Việt Nam, bảo vệ trẻ em được hiểu như thế nào?

Trả lời: Khoản 1 Điều 4 Luật Trẻ em quy định: Bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Câu 2Hãy cho biết phát triển toàn diện của trẻ em được hiểu như thế nào ?

Trả lời: Khoản 2 Điều 4 Luật Trẻ em quy định: Phát triển toàn diện của trẻ em là sự phát triển đồng thời cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội của trẻ em.

Câu 3: Việc chăm sóc thay thế theo quy định pháp luật Việt Nam được hiểu như thế nào ?

Trả lời: Theo khoản 3 Điều 4 Luật Trẻ em quy định: Chăm sóc thay thế là việc tổ chức, gia đình, cá nhân nhận trẻ em về chăm sóc, nuôi dưỡng khi trẻ em không còn cha mẹ; trẻ em không được hoặc không thể sống cùng cha đẻ, mẹ đẻ; trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, xung đột vũ trang nhằm bảo đảm sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Câu 4:  Pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về xâm hại trẻ em ?

Trả lời: Khoản 5 Điều 4 Luật Trẻ em quy định: Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác.

Câu 5:  Hãy cho biết bạo lực trẻ em được hiểu như thế nào theo pháp luật Việt Nam?

Trả lời: Theo khoản 6 Điều 4 Luật Trẻ em quy định: Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.

Câu 6: Hãy cho biết bóc lột trẻ em được hiểu như thế nào theo pháp luật Việt Nam ?

Trả lời: Khoản 7 Điều 4 Luật Trẻ em quy định: Bóc lột trẻ em là hành vi bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động; trình diễn hoặc sản xuất sản phẩm khiêu dâm; tổ chức, hỗ trợ hoạt động du lịch nhằm mục đích xâm hại tình dục trẻ em; cho, nhận hoặc cung cấp trẻ em để hoạt động mại dâm và các hành vi khác sử dụng trẻ em để trục lợi.

Câu 7: Hãy cho biết xâm hại tình dục trẻ em được hiểu như thế nào ?

Trả lời: Theo Khoản 8 Điều 4 Luật Trẻ em quy định: Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.

Câu 8:  Hãy cho biết theo quy định pháp luật Việt Nam trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hiểu như thế nào?

Trả lời: Tại Khoản 10 Điều 4 Luật Trẻ em quy định: Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là trẻ em không đủ điều kiện thực hiện được quyền sống, quyền được bảo vệ, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, quyền học tập, cần có sự hỗ trợ, can thiệp đặc biệt của Nhà nước, gia đình và xã hội để được an toàn, hòa nhập gia đình, cộng đồng.

Câu 9: Hãy cho biết nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em được quy định như thế nào ?

Trả lời: Điều 5, Luật Trẻ em quy định các nguyên tắc sau:

- Bảo đảm để trẻ em thực hiện được đầy đủ quyền và bổn phận của mình.

- Không phân biệt đối xử với trẻ em.

- Bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em trong các quyết định liên quan đến trẻ em.

- Tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em.

- Khi xây dựng chính sách, pháp luật tác động đến trẻ em, phải xem xét ý kiến của trẻ em và của các cơ quan, tổ chức có liên quan; bảo đảm lồng ghép các Mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, ngành và địa phương.

 Câu 10: Hãy cho biết bảo đảm thông tin, truyền thông cho trẻ em được quy định như thế nào ?

Trả lời: Điều 46 Luật Trẻ em quy định: Nhà nước bảo đảm trẻ em được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, tìm hiểu, học tập, trao đổi kiến thức qua các kênh thông tin, truyền thông phù hợp.

- Các cơ quan thông tin, xuất bản phải dành tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng phát thanh, truyền hình, ấn phẩm phù hợp cho trẻ em. Thông tin, đồ chơi, trò chơi, chương trình phát thanh, truyền hình, nghệ thuật, điện ảnh có nội dung không phù hợp với trẻ em phải thông báo hoặc ghi rõ độ tuổi trẻ em không được sử dụng.

- Nhà nước khuyến khích phát triển thông tin, truyền thông phù hợp với sự phát triển toàn diện của trẻ em; sản xuất, đăng tải nội dung, thông tin với thời lượng thích hợp cho trẻ em dân tộc thiểu số.

Câu 11: Hãy cho biết các yêu cầu bảo vệ trẻ em được pháp luật Việt Nam quy định như thế nào ?

Trả lời: Tại Điều 47 Luật Trẻ em quy định: Bảo vệ trẻ em được thực hiện theo ba cấp độ sau đây: Phòng ngừa; hỗ trợ; và can thiệp.

- Bảo vệ trẻ em phải bảo đảm tính hệ thống, tính liên tục, có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật và cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.

- Cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Việc bảo vệ trẻ em phải tuân thủ các quy định của pháp luật, quy trình, tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

- Trẻ em được ưu tiên bảo vệ tại gia đình, gia đình nhận chăm sóc thay thế. Việc đưa trẻ em vào cơ sở trợ giúp xã hội là biện pháp tạm thời khi các hình thức chăm sóc tại gia đình, gia đình nhận chăm sóc thay thế không thực hiện được hoặc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

- Cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em phải được cung cấp thông tin, được tham gia ý kiến với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong việc ra quyết định can thiệp, hỗ trợ để bảo vệ trẻ em.

- Coi trọng phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em; kịp thời can thiệp, giải quyết để giảm thiểu hậu quả; tích cực hỗ trợ để phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Câu 12:  Hãy cho biết cấp độ hỗ trợ trẻ em được quy định trong pháp luật Việt Nam như thế nào ?

Trả lời: Điều 49 Luật Trẻ em quy định: Cấp độ hỗ trợ bao gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi hoặc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm kịp thời phát hiện, giảm thiểu hoặc loại bỏ nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em.

- Các biện pháp bảo vệ trẻ em cấp độ hỗ trợ bao gồm:

+ Cảnh báo về nguy cơ trẻ em bị xâm hại; tư vấn kiến thức, kỹ năng, biện pháp can thiệp nhằm loại bỏ hoặc giảm thiểu nguy cơ xâm hại trẻ em cho cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người làm việc trong cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và trẻ em nhằm tạo lập lại môi trường sống an toàn cho trẻ em có nguy cơ bị xâm hại;

+ Tiếp nhận thông tin, đánh giá mức độ nguy hại, áp dụng các biện pháp cần thiết để hỗ trợ trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi nhằm loại bỏ hoặc giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi;

+ Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật này;

+ Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và gia đình của trẻ em được tiếp cận chính sách trợ giúp xã hội và các nguồn trợ giúp khác nhằm cải thiện điều kiện sống cho trẻ em.

Câu 13: Pháp luật Việt Nam quy định trẻ em có bổn phận gì đối với quê hương, đất nước ?

Trả lời: Điều 40, Luật trẻ em quy định về bổn phận của trẻ em đối với quê hương, đất nước như sau:

  1. Yêu quê hương, đất nước, yêu đồng bào, có ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tôn trọng truyền thống lịch sử dân tộc; giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của quê hương, đất nước.
  2. Tuân thủ và chấp hành pháp luật; đoàn kết, hợp tác, giao lưu với bạn bè, trẻ em quốc tế phù hợp với độ tuổivà từng giai đoạn phát triển của trẻ em.

Câu 14: Pháp luật Việt Nam quy định trẻ em có bổn phận gì đối với bản thân ?

Trả lời: Điều 41, Luật Trẻ em quy định về bổn phận của trẻ em với bản thân như sau:

  1. Có trách nhiệm với bản thân; không hủy hoại thân thể, danh dự, nhân phẩm, tài sản của bản thân.
  2. Sống trung thực, khiêm tốn; giữ gìn vệ sinh, rèn luyện thân thể.
  3. Chăm chỉ học tập, không tự ý bỏ học, không rời bỏ gia đình sống lang thang.
  4. Không đánh bạc; không mua, bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác.
  5. Không sử dụng, trao đổi sản phẩm có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; không sử dụng đồ chơi hoặc chơi trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của bản thân.

Câu 15: Pháp luật Việt Nam quy định, tổ chức nào đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em ?

Trả lời: Điều 77, Luật Trẻ em quy định như sau:

1. Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em.

2. Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em có nhiệm vụ sau đây:

a) Tổ chức lấy ý kiến, kiến nghị của trẻ em; tổ chức để trẻ em được tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân;

b) Thường xuyên lắng nghe, tiếp nhận và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của trẻ em;

c) Chuyển ý kiến, kiến nghị của trẻ em tới các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết;

d) Theo dõi việc giải quyết và phản hồi cho trẻ em về kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị;

đ) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em;

e) Hằng năm, báo cáo Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc thực hiện trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc xem xét, giải quyết ý kiến, kiến nghị của trẻ em.

Tác giả: PTP huyện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập32
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm30
  • Hôm nay3,188
  • Tháng hiện tại52,488
  • Tổng lượt truy cập2,605,513
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây