Bài dự thi "Gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh": NGƯỜI PHỤ NỮ GIÀU NGHỊ LỰC

Thứ bảy - 24/10/2020 19:50 453 0
Bài dự thi "Gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh": NGƯỜI PHỤ NỮ GIÀU NGHỊ LỰC
NGƯỜI PHỤ NỮ GIÀU NGHỊ LỰC
 
Tôi gặp chị trong căn nhà nhỏ ở ấp Phước Hội. Người phụ nữ có vóc dáng nhỏ nhắn, gương mặt hiền từ, hay nhoẻn miệng cười thật tươi khi nói về các công việc chị đã và đang làm, chị luôn được bà con lối xóm và Nhân dân trong ấp quý mến và nể phục, chị là tấm gương tiêu biểu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nỗ lực vươn lên vượt qua khó khăn bệnh tật xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con chăm ngoan, tham gia thực hiện tốt công tác xã hội…
 
Chị là Mai Thị Ngọc Hiền, 41 tuổi, ngụ tại ấp Phước Hội, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Chị mắc bệnh tim hơn 40 năm, khó khăn hơn khi gần hai năm nay, chị lại mang thêm căn bệnh hiểm nghèo suy thận mãn khiến cơ thể càng thêm ốm yếu. Kinh tế gia đình lại không khá giả. Dù vậy, mặc kệ bệnh tật, nghèo khó, chị Hiền vẫn lạc quan, vui vẻ tin tưởng vào cuộc sống tốt đẹp.
 
Trong căn nhà nhỏ được xây tường gạch, mái tôn do vợ, chồng anh chị tích góp trong một thời gian rất dài, tuy nhỏ nhưng vợ, chỗng chị mãn nguyện, chị nói: “Giờ tất cả những gì vợ chồng tôi làm ra đều dành cho con, nên có căn nhà này cũng gọi là hài lòng”. Chị Hiền có một cậu con trai duy nhất, con trai là động lực là nguồn sống, là hạnh phúc của chị mỗi ngày, bởi có được đứa con này chị đã phải đánh cược cả tính mạng của mình. Chị kể: “Ngày mang thai con trai, tôi ốm yếu lắm. Cả hai bên gia đình nội, ngoại đều khuyên tôi nên bỏ con để bảo toàn sức khoẻ, nhưng tôi quyết đến cùng để sinh ra con trai. Những ngày đó thật khó khăn”.
Trò chuyện lâu với chị chúng tôi càng thêm nể phục sự nỗ lực không mệt mỏi và tinh thần lạc quan trước bệnh tật cũng như khó khăn trong cuộc sống của chị mà không phải ai cũng có thể vượt qua được. Chị Hiền tâm sự: “Bệnh tật nặng nề nhưng với tôi không quan trọng, quan trọng là tôi được sống vui, trọn vẹn với ước nguyện của mình”. Để giữ gìn niềm vui mỗi ngày, chị Hiền cố gắng chăm sóc bản thân, chăm chỉ uống thuốc và cố gắng toả năng lượng sống tích cực trước con trai, mọi người bằng nụ cười vui vẻ.
 
Sức khỏe không tốt, chị phải thường xuyên đi bệnh viện để chạy thận và vẫn phải nỗ lực lao động bằng việc nhận may đồ cho mọi người để có tiền trang trải cuộc sống. Khó khăn là vậy, nhưng điều chúng tôi nhận thấy và trân quý ở chị chính là cái tâm thiện của chị. Gia đình chị không dư dả, thậm chí còn thuộc diện hộ nghèo của địa phương nhiều năm, nhưng chị vẫn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với những người khó khăn hơn mình như chị đứng ra cùng hỗ trợ Hội LHPN xã mở một Gian hàng quần áo “Không đồng” tại nhà của mình để tiếp nhận quần, áo mọi người tặng, cho để ai khó khăn có nhu cầu thì đến nhận. Chị còn nhận chở đồ cũ cho bà con nghèo, khó khăn trong xóm Việt Kiều, rồi xin đồ từ mọi người cho về giặt ủi, sửa lại cho tươm tất để trao cho những hộ khó khăn. Có người nói chị “bao đồng”, “lo chuyện không đâu” nhưng chị cũng không để trong lòng. Thấy việc chị làm tuy nhỏ nhưng ý nghĩa vô cùng nên bà con trong xóm, Hội LHPN xã khuyến khích và động viên chị làm. Tình cảm của bà con và Hội LHPN xã quan tâm khiến chị có thêm động lực tiếp tục làm nhiều việc hữu ích cho xã hội.
 
Đặc biệt, trong thời gia qua, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc mua khẩu trang để sử dụng gặp nhiều khó khăn, chị Hiền nảy ra ý định may khẩu trang miễn phí tặng cho bà con nghèo, khó khăn để cùng địa phương phòng, chống dịch. Quyết định là làm, với đôi bàn tay gầy gò nhưng khéo léo, chị đã không ngại sức khỏe yếu mà cặm cụi ngày đêm may khẩu trang, chỉ trong vài ngày chị đã gửi tặng Hội LHPN xã trên 1000 cái khẩu trang vải để phát tặng cho người nghèo, khó khăn; vận động rau củ, quả cho các hộ nghèo tại ấp Phước An.
 
Xúc động hơn khi nghe chị kể về việc chị xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã, năm 2018 khi nghe chồng kể địa phương mình còn có những hoàn cảnh nghèo khó hơn cả gia đình mình, chị bèn bàn với chồng làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo để nhường lại cho những hộ khó khăn hơn. Chị nói với chúng tôi một cách giản dị: “Mình đã nhận được nhiều tình cảm, sự chia sẻ của mọi người, chính quyền rồi nên nhường lại cho người khác”. Hằng ngày trừ những ngày đi bệnh viện chị Hiền vẫn miệt mài cùng chiếc máy may để may quần áo, sửa quần áo cho bà con trong xóm, mức thu nhập từ 100.000 đ đến 200.000 đồng cũng đủ anh chị trang trải mỗi ngày, chị cắt, may rất khéo nên khách hàng ghé may đồ chỗ chị cũng tương đối đông.
 
Ngoài ra chị Hiền còn tích cực tham gia công tác của chi Hội Phụ nữ tại ấp Phước Hội, phong trào nào, hoạt động do chi hội va Ban vận động ấp phát động chị đều tranh thủ tham gia và vận động chị em trong xóm tham gia cùng. Chị nói: “Tôi còn tham gia công tác Hội Phụ nữ, các phong trào của ấp phát động, bởi tôi mong mình nhận được kiến thức mới mẻ về cuộc sống để ứng dụng cho bản thân và gia đình, và để chia sẻ những gì bản thân đã nhận được cho chị em trong xóm”. Mỗi lần tham dự các buổi sinh hoạt của chi hội phụ nữ ấp, hay khi Hội Phụ nữa xã tổ chức các hoạt động xã hội chị Hiền lại chia sẻ những gì mình có-những cái khẩu trang vải, những bộ đồ còn mới chị gom góp vận động, tiền chị dành dụm tặng mua BHYT cho người khó khăn… nhưng sao thấm đượn tình cảm, sự lạc quan và nghị lực vươn lên từ bản thân chị để giúp mọi người cùng nỗ lực, cùng vươn lên trong cuộc sống.

Tác giả: Trang Thị Hồng Diệu - cán bộ Tuyên giáo Đảng ủy, sinh hoạt Đảng tại chi bộ Quân sự

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập228
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm225
  • Hôm nay1,314
  • Tháng hiện tại67,759
  • Tổng lượt truy cập2,696,970
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây