BÀI DỰ THI “Gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”: GƯƠNG ĐIỂN HÌNH

Thứ bảy - 19/09/2020 09:10 606 0
BÀI DỰ THI “Gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tác giả: Đặng Thị Út – CB Tuyên giáo Đảng uỷ xã Chà Là.
GƯƠNG ĐIỂN HÌNH
Khuyết tật không có nghĩa là chấm hết!
 
Việc triển khai thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tác động mạnh mẽ đến tất cả cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân giúp cho mỗi người nhận thức đúng hơn những giá trị cao đẹp của tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Người. Từ khi triển khai đến nay đã có nhiều tấm gương sáng về học tập và làm theo Bác, những nhận thức, những việc làm của những tấm gương ấy đáng được trân trọng và nêu gương trong từng lĩnh vực, từng ngành, từng giới. Khi nhắc đến việc học tập và làm theo Bác, tôi lại nhớ đến một câu chuyện rất đổi giản dị và đời thường mà không đâu xa, tại trên mãnh đất Chà Là anh hùng.
 
Tôi được biết đến anh như một người anh, một người hàng xóm rất vui vẽ và toát lên gương mặt một ánh nhìn rất thiện cảm, đó là Anh, một tấm gương giàu nghị lực, vượt qua số phận của cuộc đời mình để vươn lên giúp ích cho đời, làm gương và làm giàu chính đáng. Anh Phạm Văn Huyền- sinh năm 1971, hiện ngụ tại ấp Bình Linh, xã Chà Là, Huyện Dương Minh Châu, Tỉnh Tây Ninh.
 
Sinh ra và lớn lên với một cơ thể lành lặn như bao người khác nhưng không được học hành như các bạn cùng trang lứa. Năm lên lớp 6, anh Huyền đã phải bỏ ngang việc học để đi làm thuê, làm mướn như chăn vịt, cắt cỏ, phụ hồ,... để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Những tưởng cuộc đời mình đã khổ lắm rồi nhưng cái khổ vẫn bám lấy anh. Một biến cố bất ngờ xảy ra khi anh mới 19 tuổi đang làm công cho nhà máy chế biến đường tinh luyện, chẳng may gặp tai nạn lao động anh bị dây xích máy cuốn cánh tay ra khỏi cơ thể anh, khiến anh Huyền phải mất đi một phần cánh tay trái. Và kể từ ngày kinh hoàng ấy anh Phạm Văn Huyền trở thành người khuyết tật vĩnh viễn.
 
Đột ngột rơi vào hoàn cảnh ấy, anh Huyền lúc này là một chàng trai trẻ đầy ước mơ và hoài bảo cho cuộc đời của mình. Mọi hy vọng của anh vụt tan biến hết. Anh kể “Đang ở tuổi trai tráng, khỏe mạnh, bổng dưng trở thành người tàn tật, lúc đó tôi cảm thấy mọi thứ đối với mình đã chấm hết. Có lúc, tôi bi quan đến mức đã nghĩ đến cái chết vì cảm thấy mình vô dụng, không còn làm được việc gì”. Hồi đó, do chưa thích nghi được với sự mất mát một phần cơ thể, anh Huyền luôn sống trong tâm trạng buồn rầu, chán nãn. Cuộc sống của anh lúc ấy mù mịt, không có mục đích gì nữa, một mất mát quá lớn với anh.
 
Từ nhỏ anh Huyền đã ý thức được cảnh gia đình khó khăn, hiểu được sự vất vã, khổ cực của cha mẹ mình khi phải chăm lo cho 10 anh chị em trong nhà, vì thế anh luôn tự nhủ với bản thân mai này lớn lên phải làm gì đó để chia sẽ bớt gánh nặng với cha mẹ. Nhưng rồi hàng ngày phải thấy cha mẹ già hơn 60 tuổi vừa chăm sóc anh, vừa phải lao động để kiếm sống và nuôi đứa con tật nguyền đã mất hết ý chí phấn đấu. Những ngày dưỡng bệnh anh đã được tiếp cận với nhiều sách, báo và tivi anh biết được có nhiều người thương binh già bị thương tật trong chiến tranh nhưng đã làm theo lời dạy của Bác Hồ là “Tàn nhưng không phế” vẫn lao động hăng say và làm giàu bằng chính sức mình để xây dựng quê hương đất nước trong thời bình, anh thấy được những người ngay từ khi sinh ra đã không được lành lặn nhưng vẫn cố gắng vương lên để có cuộc sống như bao người lành lặn khác,…
 
Anh suy nghĩ nhiều đêm, anh không thể làm cha mẹ thất vọng hơn nữa, anh mất một phần thân thể đã đau đớn như vậy, nếu cha mẹ mất anh họ làm sao sống nổi. Anh không thể nhục chí như vậy, anh phải mạnh mẻ lên, phải vượt qua những chướng ngại đó; anh có thể làm việc gì vừa sức mình như Bác nói “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình” khi anh còn đi học đã được thầy cô dạy. Người ta làm được thì mình làm được, không có gì là không thể. Anh nhận ra rằng cuộc đời vẫn còn nhiều điều tốt đẹp đang chờ ở phía trước. Rồi được sự động viên của gia đình và sự chia sẽ của mọi người xung quanh, dần dần anh lấy lại được tinh thần; đã nỗ lực vượt qua nổi mặc cảm, tuyệt vọng và bằng chính nghị lực sống mạnh mẽ của mình để xây dựng cuộc sống tương lai cho chính mình và những thân yêu.
 
Chặng đường vượt khó của anh Huyền gặp rất nhiều gian nan, nhất là khi hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả. Nhưng anh Huyền quyết tâm vươn lên, vượt qua số phận để có cuộc sống tự lập như bao người, quyết không để cha mẹ phải lo lắng về mình thêm nữa. Được một số bạn bè chỉ dẫn và giúp đỡ, anh quyết định rời quê lên vùng đất Lâm Đồng lập nghiệp, những ngày xa gia đình anh gặp không ít khó khăn trên vùng đất mới. Nhờ sự cần cù, chịu khó, dần dần anh mới được nhiều người biết đến. Họ đem lòng quý mến, nhận anh vào làm tại các rẫy, nông trường. Lúc rãnh rỗi anh đi bốc vác thuê để kiếm thêm thu nhập. Khi lập gia đình anh đã làm nghề bán vé số dạo hơn 3 năm ở Đồng Nai để nuôi gia đình mình. Anh Huyền chia sẽ “Mình chỉ còn một tay thì phải nổ lực gấp đôi mới bằng người khác. Mới đầu khó lắm, cái gì cũng không làm được nhưng tập riết rồi cũng quen dần và thành thục. Còn trẻ, còn sức khỏe thì ráng làm ăn lo cho tương lai, cơ hội qua rồi không lấy lại được”.
 
Cũng nhờ chăm chỉ, siêng năng làm việc, mỗi tháng sau khi trang trải các khoản chi tiêu sinh hoạt, anh Huyền tiết kiệm được vài triệu đồng. Sau một thời gian tích góp, có được số vốn khá khá anh quyết định về Tây Ninh định cư lập nghiệp. Về quê anh được vay thêm một khoản tiền, dốc sức đầu tư xây dựng một nhà nghỉ với hơn chục phòng. Mọi công việc từ giặt giủ, quét dọn cho đến sổ sách thu chi của nhà nghỉ đều do anh đảm đương. Chưa từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực nhà nghỉ, nhưng bằng sự kiên nhẫn chịu khó, vừa làm vừa học hỏi từ những người bạn, những người đi trước. Anh Huyền đã từng bước đưa công việc kinh doanh nhà nghỉ của mình đi vào ổn định. Thu nhập hàng tháng từ kinh doanh dịch vụ này đã có thể giúp anh yên tâm lo cho cuộc sống gia đình và chi trả dần các khoản vay.
 
Hiện nay, anh Huyền đã có một cuộc sống gia đình ổn định, êm ấm bên vợ và hai con trai. Việc làm ăn chưa ổn định, nợ chưa trả xong nhưng đôi lúc anh Huyền và vợ cũng dành thời gian và một phần thu nhập của gia đình cho các hoạt động từ thiện, xã hội tại địa phương như đóng góp công, tiền, gạo cho bếp ăn từ thiện của ấp Bình Linh để hàng tuần nấu cơm từ thiện cho bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện huyện, những trẻ em và người già ở trung tâm tỉnh. Không những thế anh đã từng trãi qua rất đồng cảm với việc người bị nạn cần tiếp máu mà bệnh viện không có đủ nguồn máu. Thông qua một người anh làm hội chữ thập đỏ xã anh biết được tình nguyện hiến máu cứu người. Anh đã nhận thức được đó là hành động rất thiêng liêng và cao quý để cứu được đồng loại của mình. Từ đó anh đã tình nguyện tham gia 5 lần hiến máu cứu người và cùng tuyên truyền vận động mọi người cùng tham gia hiến máu nhân đạo. Và đến lần thứ 6 thì anh không được lấy máu chỉ vì lý do: anh là người khuyết tật cần nhận chứ không cần cho. Nhưng trong tâm anh vẫn kiên quyết muốn được hiến máu cứu người như bao người khác. Trước đây anh còn đang nuôi ý định khá bạo dạng mà không phải ai cũng có thể suy nghĩ tới, đó là tìm nơi tin tưởng để hiến xác sau khi anh mất. Với tôi chỉ với suy nghĩ thôi anh đã trở thành con người vĩ đại, một con người đáng để được vinh danh trên tất cả những gương tiêu biểu. Và được biết là vào tháng 4/2020 anh đã đến bệnh viện Chợ Rẫy và đã đăng ký và hoàn thành tâm nguyện là được hiến xác sau khi mất, kết quả là anh đã hoàn thành xong mọi thủ tục và đã được cấp thẻ hiến mô, hiến tạng nhân đạo khi qua đời tại bệnh viện Chợ Rẫy. Bằng chính nghị lực của mình, anh đã chứng minh được rằng bị khuyết tật cơ thể không có nghĩa là chấm hết, người khuyết tật vẫn có thể tự tạo dựng được sự nghiệp và có một cuộc sống đàng hoàng, hữu ích như bao nhiêu người lành lặn, khỏe mạnh khác. Chẳng những vậy anh đã làm được nhiều việc tốt, nhiều việc có ý nghĩa lớn lao cho con người hơn hẳn nhiều người lành lặn mà chỉ sống ích kỷ cho bản thân mà không thể hy sinh vì cộng đồng.
 
Đối với người bình thường, để vươn lên trong cuộc sống là một đều không phải dễ. Vậy mà trong xã hội có rất nhiều người kém may mắn, bất hạnh bị khiếm khuyết một phần cơ thể nhưng bằng ý chí, nghị lực phi thường họ đã cố gắng vượt lên số phận để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp. Anh Phạm Văn Huyền là một tấm gương điển hình về nỗ lực vượt khó của những người khuyết tật, anh là tấm gương sáng cho các thế hệ, nhất là thanh niên hiện nay học tập và noi theo. Anh Phạm Văn Huyền là một trong những tấm gương tiêu biểu về “Học tập và làm theo tư tưởng tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, là một minh chứng cho lời dạy của Bác Hồ “Tàn mà không phế”. Quả đúng là Khuyết tật không có nghĩa là chấm hết.
ảnh 1: Anh Huyền tham gia hiến máu nhân đạo lần thứ 4 năm 2016.
 
ảnh 2: Anh Huyền được Hội LHTN huyện DMC tuyên dương gương tiêu biểu 2016

Tác giả: Đặng Thị Út – CB Tuyên giáo Đảng uỷ xã Chà Là

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập151
  • Hôm nay2,503
  • Tháng hiện tại68,948
  • Tổng lượt truy cập2,698,159
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây