KỶ NIỆM 78 NĂM NGÀY CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG (19/8/1945 - 19/8/2023) VÀ NGÀY QUỐC KHÁNH NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM (02/9/1945 - 02/9/2023)

Thứ bảy - 19/08/2023 16:38 118 0
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng mở đầu cuộc xâm lược nước ta. Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo Nhân dân cả nước đứng lên chống thực dân, đế quốc, giành độc lập cho dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cao trào cách mạng diễn ra trên khắp cả nước với khí thế sôi nổi.
Ngày 09/3/1945, phát xít Nhật đảo chính hất cẳng Pháp. Ngay trong đêm đó, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng quyết định phát động một cao trào. Tháng 3/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tháng 4/1945, Trung ương triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân. Ngày 16/4/1945, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị tổ chức các Uỷ ban Dân tộc giải phóng các cấp và chuẩn bị thành lập Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam. Từ tháng 4/1945 trở đi, cao trào kháng Nhật, cứu nước diễn ra mạnh mẽ.

Đầu tháng 5/1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước. Tháng 8/1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân cả nước đồng loạt tiến hành Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay Nhân dân.
 
Không khí Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/8/1945.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
 
Lễ đài nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2/9/1945. (Ảnh: hochiminh.vn)

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn dân vừa chống thù trong, giặc ngoài, vừa xây dựng và củng cố vững chắc chính quyền nhân dân; lãnh đạo cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 06/01/1946, xây dựng Hiến pháp dân chủ đầu tiên (năm 1946); chăm lo xây dựng chế độ mới, đời sống mới của Nhân dân; chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm; kiên quyết trấn áp các thế lực phản cách mạng, thực hành sách lược khôn khéo, lúc thì tạm hòa hoãn với Tưởng để đánh thực dân Pháp xâm lược, lúc thì hoà với Pháp để đuổi Tưởng, triệt để lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, đưa cách mạng vượt qua những thử thách hiểm nghèo, tranh thủ thời gian để củng cố lực lượng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến không thể tránh khỏi.
 
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc.(Ảnh: hochiminh.vn)

Tháng 12/1946, trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến với quyết tâm: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến; vừa kiến quốc, vừa kháng chiến, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của bạn bè quốc tế, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân ta lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp, đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Với thắng lợi này, chúng ta đã bảo vệ và phát triển thành quả của Cách mạng Tháng Tám, đưa cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới: xây dựng miền Bắc theo con đường chủ nghĩa xã hội và tiếp tục tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, thống nhất đất nước.

Thành tựu 48 năm xây dựng và phát triển của tỉnh Tây Ninh

Sau năm 1975, tỉnh nhà được giải phóng, Đảng bộ, quân và dân Tây Ninh bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới từ một xuất phát điểm rất thấp. Cơ sở hạ tầng bị phá huỷ nặng nề, 60/73 xã trong tỉnh bị tàn phá hoàn toàn, hơn 9.000 người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Toàn tỉnh không có một công trình thuỷ nông quan trọng nào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; hoạt động công nghiệp gần như không có; đại bộ phận Nhân dân sống trong nghèo khó, hàng vạn đối tượng chính sách cần được chăm lo.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, với truyền thống “trung dũng, kiên cường”, với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Tây Ninh đã nêu cao tinh thần tự lực tự cường, quyết tâm cao độ để vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa phấn đấu xây dựng tỉnh nhà. Trong 10 năm 1975-1985, Tây Ninh tập trung cải tạo, xây dựng và phát triển nền kinh tế theo Nghị quyết Đại hội IV và V của Đảng đề ra, chủ yếu lấy sản xuất lương thực làm nhiệm vụ trung tâm hàng đầu, cho nên từ chỗ Tây Ninh phải nhận sự chi viện của Trung ương đã phấn đấu không những tự lực được lương thực, mà còn làm nghĩa vụ với Trung ương và từng bước tháo gỡ những khó khăn, đưa nền kinh tế - xã hội đi vào quỹ đạo xã hội chủ nghĩa. 

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ đã tập trung trí tuệ, tìm quyết sách lãnh đạo, khai thác, tận dụng tiềm năng - lợi thế, xác định đúng đắn chiến lược phát triển cùng lộ trình và bước đi phù hợp, tạo bước đột phá vươn lên, đưa Tây Ninh không ngừng phát triển, giành được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ đã tập trung trí tuệ, tìm quyết sách lãnh đạo, khai thác, tận dụng tiềm năng - lợi thế, tạo bước đột phá vươn lên, đưa Tây Ninh không ngừng phát triển. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) của tỉnh liên tục tăng.

Năm 2022, lần đầu tiên sau nhiều năm, 17/17 chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh đều đạt và vượt so với Nghị quyết năm của Tỉnh uỷ. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 3.700 USD, cao gấp 1,78 lần so năm 2015. Từ một tỉnh thuần nông, Tây Ninh đã tăng trưởng công nghiệp khá, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về điện mặt trời (tỉnh đã đưa vào hoạt động Cụm nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng có tổng vốn 9.100 tỷ đồng, đưa Tây Ninh thành một trong những "thủ phủ" về điện mặt trời của cả nước).

Từ chỗ không có mặt hàng nào xuất khẩu, trong giai đoạn 2016 - 2020, kim ngạch xuất khẩu của Tây Ninh đạt 19 tỷ USD, tăng bình quân 10%/năm; năm 2022, tình hình kinh tế từng bước phục hồi sau đại dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu đạt 6,6 tỷ USD. Các doanh nghiệp ngày càng chú trọng xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm tinh chế, mở rộng mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước thực hiện 26.989 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 4,07% so với cùng kỳ; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 18.188 tỷ đồng, tăng 9,8% so cùng kỳ; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 5.781 tỷ đồng, đạt 52,6% dự toán.

Năm 2022, Tây Ninh là một trong những tỉnh có tỷ lệ thu hút đầu tư cao trong cả nước, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành. Các dự án đầu tư trong và ngoài nước là nguồn lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều nhà đầu tư lớn, có thương hiệu quốc gia như Sun Group, Vingroup, TTC Group… đã có dự án đầu tư tại Tây Ninh. Tỉnh cũng đã khánh thành và đưa vào sử dụng hệ thống các tuyến cáp treo lên đỉnh núi Bà Đen và các công trình phụ trợ, tạo tiền đề vững chắc để Tây Ninh đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh đến năm 2030. Công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt kết quả tích cực; đến tháng 6/2023 toàn tỉnh có 61/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới, theo kế hoạch đến cuối năm có 65/71 xã đạt chuẩn, trong đó 25 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 03 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và có 04 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Cùng với kinh tế, các lĩnh vực văn hoá - xã hội đạt nhiều thành tựu nổi bật. Chất lượng khám chữa bệnh, giáo dục - đào tạo, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, xây dựng thiết chế văn hoá cơ sở… tiếp tục được triển khai sâu rộng và đạt kết quả tốt. Các chính sách xã hội, chương trình Quốc gia về giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo được triển khai có hiệu quả; hằng năm giải quyết việc làm tăng thêm trên 16.000 lao động. Kết quả rà soát hộ nghèo đa chiều của tỉnh năm 2022 còn 1,09% (với 3.499 hộ), vượt chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao về giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (từ 0,1%-0,15%) (nằm trong tốp 5 tỉnh có hộ nghèo thấp nhất nước). Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,25% so với dân số toàn tỉnh.

Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân vừa triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống và kiểm soát thích ứng, an toàn với dịch COVID-19, vừa thực hiện các biện pháp phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới, bảo vệ an toàn sức khoẻ, ổn định đời sống nhân dân; quan tâm hỗ trợ, chi trả cho hơn 500.000 trường hợp bị ảnh hưởng COVID-19 hơn 1.000 tỷ đồng.

Công tác quốc phòng, an ninh được các cấp uỷ đảng, chính quyền tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, gắn với xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được đẩy mạnh, nhiều mô hình tự quản về an ninh trật tự được nhân rộng. Quan hệ hợp tác với các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia được tăng cường, xử lý kịp thời những vấn đề phức tạp nảy sinh, không để xảy ra “điểm nóng” trên tuyến biên giới.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, bản lĩnh chính trị, tư duy và năng lực lãnh đạo được nâng lên. Cấp uỷ các cấp tập trung thực hiện hai nhiệm vụ “phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng đảng là then chốt”, kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tập trung thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; chủ động lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm, đổi mới tư duy, sáng tạo trong triển khai, tổ chức thực hiện.

Kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam là dịp để chúng ta càng hiểu rõ hơn những giá trị lịch sử, thực tiễn của Cách mạng Tháng Tám; nhận thức đầy đủ trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong việc vận dụng và phát triển những bài học kinh nghiệm quý giá của Cách mạng Tháng Tám, của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hơn 78 năm qua vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; nỗ lực, phấn đấu thực hiện đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tác giả: Hữu Thành

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập10
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm4
  • Hôm nay2,460
  • Tháng hiện tại46,976
  • Tổng lượt truy cập1,940,414
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây