MỘT SỐ ĐIỂM MỚI NGHỊ ĐỊNH SỐ 19/2020/NĐ-CP NGÀY 12/02/2020 CỦA CHÍNH PHỦ KIỂM TRA, XỬ LÝ KỶ LUẬT TRONG THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Thứ năm - 29/07/2021 10:02 675 0
Ngày 12 tháng 02 năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2020/NĐ-CP Kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (gọi tắt là Nghị định số 19/2020/NĐ-CP); Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 31 tháng 3 năm 2020.

Ngày 12 tháng 02 năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2020/NĐ-CP Kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (gọi tắt là Nghị định số 19/2020/NĐ-CP); Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 31 tháng 3 năm 2020.

  1. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH

Như chúng ta đã biết, xử lý vi phạm hành chính và quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính là một lĩnh vực mang tính đặc thù và phức tạp, có liên quan  đền  nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, ở các cấp chính quyền; có ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến quyền tài sản, quyền nhân thân của công dân và đến tất cả các doanh nghiệp. Việc xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của các chức danh luật định (14 loại cơ quan và 183 chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc sự quản lý của nhiều cơ quan khác nhau từ trung ương đến địa phương theo quy định tại các điều từ điều 38 đến điều 51 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012). Ngoài ra, còn có một lực lượng không nhỏ người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính quy định trong các nghị định xử phạt vi phạm hành chính. Vì vậy, để quản lý có hiệu quả công tác thi hành pháp luật về XLVPHC, hoạt động kiểm tra công tác thi hành pháp luật về XLVPHC, cũng như xử lý những sai phạm phát sinh trong quá trình người có thẩm quyền xử lý hành chính thực thi công vụ là rất cần thiết nhằm bảo đảm tính công bằng, khách quan, chính xác, minh bạch trong áp dụng pháp luật trong XLVPHC.

Trong lĩnh vực XLVPHC hiện nay chưa quy định cụ thể hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý VPHC thì bị xử lý thế nào, ví dụ: không xử phạt vi phạm hành chính; không tổ chức thi hành quyết định XLVPHC; không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành quyết định xử phạt của cá nhân, tổ chức bị xử phạt, để hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt nhưng không báo cáo người có thẩm quyền để kết thúc hồ sơ; không thực hiện hoặc thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện kết luận kiểm tra việc thi hành pháp luật XLVPHC thì xử lý như thế nào, hình thức xử lý, … Bên cạnh đó, việc chưa có quy định về xử lý kỷ luật đối với vi phạm của cán bộ, công chức trong thi hành pháp luật về XLVPHC nên có thể dẫn đến tình trạng, cùng một hành vi vi phạm của cán bộ trong thi hành pháp luật về XLVPHC nhưng mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi địa phương áp dụng một chế tài xử lý khác nhau, có nơi áp dụng chế tài kỷ luật cảnh cáo, có nơi áp dụng chế tài khiển trách…

Mặc dù Điều 21 Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính (được Nghị định số 97/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung); trong đó, có quy định về kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tuy nhiên, qua thực tiễn kiểm tra công tác THPL về XLVPHC trong 05 năm vừa qua (kể từ thời điểm Luật XLVPHC có hiệu lực) cho thấy, các Bộ, ngành, địa phương còn rất lúng túng, thiếu thống nhất trong quá trình triển khai, thực hiện; kiểm tra như thế nào, trình tự, thủ tục kiểm tra, … ; các cơ quan tiến hành việc kiểm tra cũng như đối tượng được kiểm tra cũng tỏ ra lúng túng, không biết trách nhiệm của mình đến đâu; việc theo dõi, giám sát, đôn đốc việc thực hiện kết luận kiểm tra được thực hiện như thế nào; xử lý các hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý VPHC ra sao? …

Do vậy, việc xây dựng Nghị định về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong THPL về XLVPHC tạo cơ sở pháp lý cụ thể, rõ ràng, minh bạch cho công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý sai phạm của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức có liên quan trong THPL về XLVPHC.

Nghị định số 19/2020/NĐ-CP về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được Chính phủ ban hành ngày 12/02/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 31/3/2020. Riêng các quy định về xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại các Điều 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28 và 29 của Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020. Nghị định này bãi bỏ một số điều cụ thể quy định về kiểm tra tại Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP).

  1. BỐ CỤC

Nghị định gồm 05 chương và 31 Điều, quy định về kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật người có thẩm quyền, trách nhiệm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Đối tượng áp dụng là cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; cơ quan quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Thủ trưởng cơ quan của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, Thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính; Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

  1. NỘI DUNG

3.1. Mục đích của việc thực hiện kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

Theo Điều 3 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP quy định, việc thực hiện kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, nhằm mục đích sau:

- Xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; động viên, khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; phát hiện những hạn chế, vướng mắc, bất cập, sai sót, vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để kịp thời chấn chỉnh, xử lý, khắc phục.

- Phòng, chống, ngăn chặn các vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc tổ chức thực hiện, áp dụng pháp luật nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

- Phát hiện các quy định chưa thống nhất, đồng bộ hoặc chưa phù hợp với thực tiễn để kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

3.2. Nguyên tắc việc thực hiện kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

Tại Điều 4 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP quy định, việc thực hiện kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính phải đảm bảo theo nguyên tắc sau:

- Khách quan, công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục pháp luật quy định.

- Bảo đảm sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan, không trùng lặp với hoạt động thanh tra, kiểm tra khác đối với một đơn vị trong cùng thời gian; không gây cản trở, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng được kiểm tra. Kết hợp giữa việc tự kiểm tra của đối tượng được kiểm tra với việc kiểm tra của cơ quan, người có thẩm quyền.

- Kết luận kiểm tra phải được đối tượng được kiểm tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chấp hành đầy đủ và đúng thời hạn. Các sai phạm, kiến nghị, yêu cầu trong kết luận kiểm tra phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng việc và tương ứng với tính chất, mức độ vi phạm.

Kết luận kiểm tra phải được người có thẩm quyền kiểm tra theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện.

- Chủ thể có thẩm quyền kiểm tra và đối tượng được kiểm tra được xác định trên cơ sở nguyên tắc của hoạt động quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực và theo địa bàn, lãnh thổ.

3.3. Về phương thức kiểm tra (Điều 5 Nghị định)

Có 02 phương thức kiểm tra: định kỳ, theo địa bàn, chuyên đề hoặc theo ngành, lĩnh vực và kiểm tra đột xuất. Trong đó:

Phương thức kiểm tra định kỳ, theo địa bàn, chuyên đề hoặc theo ngành, lĩnh vực được tiến hành trên cơ sở kế hoạch kiểm tra hằng năm, khi có một trong 05 căn cứ được cụ thể tại các điểm thuộc Khoản 1 Điều 5 Nghị định.

Phương thức kiểm tra đột xuất được tiến hành trên cơ sở yêu cầu quản lý và tình hình thực tế, khi có một trong 04 căn cứ được cụ thể tại các điểm thuộc Khoản 2 Điều 5 Nghị định.

3.4. Về thẩm quyền kiểm tra của địa phương (Điều 6 Nghị định)

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính định kỳ, theo địa bàn, chuyên đề hoặc theo ngành, lĩnh vực trong phạm vi địa bàn quản lý của mình đối với các trường hợp:

(1) Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ;

(2) Theo đề nghị của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện;

(3) Theo đề nghị của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp trên cơ sở theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

(4) Theo yêu cầu quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính;

(5) Việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý liên ngành đang có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập hoặc đối với vụ việc phức tạp.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện kiểm tra đột xuất công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi địa bàn quản lý của mình đối với các trường hợp:

(1) Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ;

(2) Khi nhận được yêu cầu, kiến nghị của cá nhân, tổ chức hoặc có phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng về việc áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính chưa chính xác, có dấu hiệu xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức;

(3) Khi phát hiện vướng mắc hoặc dấu hiệu vi phạm trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ, tài liệu do cơ quan, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính gửi đến hoặc đang được lưu trữ, bảo quản theo quy định;

(4) Qua theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính phát hiện có dấu hiệu vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng phòng Tư pháp chịu trách nhiệm giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện việc kiểm tra.

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thực hiện việc kiểm tra đối với các trường hợp:

(1) Theo yêu cầu quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính;

(2) Việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý liên ngành đang có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập hoặc đối với vụ việc phức tạp.

(3) Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ;

(4) Khi nhận được yêu cầu, kiến nghị của cá nhân, tổ chức hoặc có phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng về việc áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính chưa chính xác, có dấu hiệu xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức;

(5) Khi phát hiện vướng mắc hoặc dấu hiệu vi phạm trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ, tài liệu do cơ quan, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính gửi đến hoặc đang được lưu trữ, bảo quản theo quy định;

(6) Qua theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính phát hiện có dấu hiệu vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Tổ chức pháp chế hoặc tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đương thuộc cơ quan, đơn vị quản lý người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính giúp Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thực hiện việc kiểm tra.

Nghị định giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết Điều này. Hiện nay, địa phương cũng đang chờ Bộ Tư pháp ban hành Thông tư hướng dẫn để triển khai thực hiện.

3.5. Về Đoàn kiểm tra (Điều 8 Nghị định)

  Được thành lập để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra theo quyết định kiểm tra của người có thẩm quyền. Đoàn kiểm tra được thành lập theo hình thức liên ngành, trừ các trường hợp: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý của mình.

  Đoàn kiểm tra phải có từ 05 thành viên trở lên, bao gồm: Trưởng đoàn; 01 Phó trưởng đoàn; thành viên.

3.6. Nội dung kiểm tra việc thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính (Điều 11 Nghị định)

  Kiểm tra việc áp dụng pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính (tổng số vụ vi phạm; vụ vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính; số vụ chuyển để truy cứu trách nhiệm hình sự; số vụ việc cơ quan tố tụng chuyển để xử phạt vi phạm hành chính; thủ tục lập biên bản vi phạm, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tình hình, kết quả thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; việc quản lý tiền thu từ xử phạt; việc lưu trữ hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính ;….).

  Kiểm tra việc áp dụng pháp luật về các biện pháp xử lý hành chính (tổng số đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; số đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; tình hình, kết quả thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; những dấu hiệu vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền áp dụng pháp luật về các biện pháp xử lý hành chính và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong áp dụng biện pháp xử lý hành chính; …).

   Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (Công tác chỉ đạo, điều hành; việc xây dựng và tiến độ, kết quả triển khai kế hoạch quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tổ chức công tác phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ; việc bố trí nguồn lực để bảo đảm cho việc thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính; tổng số người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh tại cơ quan, đơn vị; việc thực hiện chế độ thống kê, báo cáo; việc thực hiện trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện và áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật khác có liên quan đến xử lý vi phạm hành chính; …).

3.7. Ban hành kế hoạch kiểm tra (Điều 12 Nghị định)

Thẩm quyền ban hành kế hoạch kiểm tra ở địa phương:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện chịu trách nhiệm lập kế hoạch kiểm tra trong phạm vi địa bàn quản lý của mình (Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng phòng Tư pháp giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện lập kế hoạch kiểm tra).

- Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính lập kế hoạch kiểm tra thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý của mình. (Tổ chức pháp chế hoặc tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đương thuộc cơ quan, đơn vị quản lý người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được giao giúp Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính lập kế hoạch kiểm tra).

   Kế hoạch kiểm tra phải được gửi cho đối tượng được kiểm tra ngay sau khi được ban hành.

   Từ các quy định về căn cứ làm cơ sở kiểm tra định kỳ, theo địa bàn, chuyên đề hoặc theo ngành, lĩnh vực để xây dựng, ban hành Kế hoạch kiểm tra hàng năm; Kế hoạch kiểm tra hằng năm phải được người có thẩm quyền ban hành trước ngày 15 tháng 3 hằng năm. Trong trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền ban hành kế hoạch kiểm tra có thể điều chỉnh kế hoạch kiểm tra.

Nghị định giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết về việc ban hành Kế hoạch kiểm tra. Hiện nay, địa phương cũng đang chờ Bộ Tư pháp ban hành Thông tư hướng dẫn để triển khai thực hiện.

3.8. Ban hành quyết định kiểm tra ở địa phương (Điều 13 Nghị định)

Trên cơ sở kế hoạch kiểm tra và các căn cứ kiểm tra; Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, tổ chức pháp chế hoặc tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đương thuộc cơ quan, đơn vị quản lý người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính xây dựng quyết định kiểm tra trình người có thẩm quyền xem xét, ban hành quyết định kiểm tra.

Thời hạn kiểm tra tối đa là 07 ngày làm việc; trường hợp cần thiết thì người có thẩm quyền kiểm tra có thể gia hạn thêm không quá 07 ngày làm việc.

Nghị định giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết về nội dung này. Hiện nay, địa phương cũng đang chờ Bộ Tư pháp ban hành Thông tư hướng dẫn để triển khai thực hiện.

3.9. Về Kết luận kiểm tra (Điều 15 Nghị định)

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết thúc hoạt động kiểm tra, đoàn kiểm tra dự thảo kết luận kiểm tra và gửi cho đối tượng được kiểm tra để lấy ý kiến đối với các nội dung trong dự thảo kết luận kiểm tra.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận kiểm tra, đối tượng được kiểm tra gửi lại đoàn kiểm tra ý kiến bằng văn bản đối với các nội dung trong dự thảo kết luận kiểm tra.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của đối tượng được kiểm tra đối với các nội dung trong dự thảo kết luận kiểm tra hoặc 03 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn mà không nhận được ý kiến bằng văn bản của đối tượng được kiểm tra đối với các nội dung trong dự thảo kết luận kiểm tra thì trưởng đoàn kiểm tra trình người có thẩm quyền kiểm tra ban hành kết luận kiểm tra. Trưởng đoàn kiểm tra ký ban hành kết luận kiểm tra trong trường hợp được người có thẩm quyền kiểm tra ủy quyền.

Kết luận kiểm tra được gửi cho đối tượng được kiểm tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan ngay sau khi được ban hành để thực hiện các nội dung nêu trong kết luận kiểm tra và công khai theo quy định của pháp luật.

Nghị định giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết về nội dung này. Hiện nay, địa phương cũng đang chờ Bộ Tư pháp ban hành Thông tư hướng dẫn để triển khai thực hiện.

3.10. Tổ chức thực hiện kết luận kiểm tra; báo cáo thực hiện kết luận kiểm tra (Điều 17, 18 Nghị định)

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được kết luận kiểm tra, đối tượng được kiểm tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện kịp thời và đầy đủ các nội dung kiến nghị đã được nêu tại kết luận kiểm tra; lập kế hoạch thực hiện kết luận kiểm tra trong trường hợp kết luận kiểm tra có nhiều nội dung, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Đối tượng được kiểm tra có trách nhiệm báo cáo việc thực hiện kết luận kiểm tra theo thời hạn ghi trong kết luận kiểm tra hoặc khi nhận được yêu cầu của người có thẩm quyền ban hành kết luận kiểm tra.

3.11. Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận kiểm tra (quy định chi tiết về trình tự, thủ tục tại Điều 19, 20 của Nghị định).

Người có thẩm quyền ban hành kết luận kiểm tra tổ chức việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra đối tượng được kiểm tra trong việc thực hiện kết luận kiểm tra.

Hoạt động theo dõi được tiến hành thông qua việc yêu cầu đối tượng được kiểm tra báo cáo tình hình thực hiện kết luận kiểm tra và cung cấp tài liệu chứng minh. Kết quả và việc xử lý kết quả theo dõi thực hiện kết luận kiểm tra được thông báo đến đối tượng được kiểm tra và công khai theo quy định của pháp luật.

Nghị định giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết việc công khai. Hiện nay, địa phương cũng đang chờ Bộ Tư pháp ban hành Thông tư hướng dẫn để triển khai thực hiện.

Hoạt động đôn đốc việc thực hiện kết luận kiểm tra được tiến hành dưới hình thức gửi văn bản đôn đốc hoặc làm việc trực tiếp với đối tượng được kiểm tra.

3.12. Kiểm tra việc thực hiện kết luận kiểm tra (Điều 21 Nghị định)

 Người có thẩm quyền ban hành kết luận kiểm tra ra quyết định kiểm tra việc thực hiện kết luận kiểm tra khi có một trong các căn cứ sau đây:

- Hết thời hạn phải thực hiện kết luận kiểm tra mà đối tượng được kiểm tra không hoàn thành việc thực hiện và không có báo cáo kết quả thực hiện kết luận kiểm tra hay xin gia hạn thực hiện (nếu có);

- Đối tượng được kiểm tra không thực hiện trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện kết luận kiểm tra theo quy định của pháp luật;

- Quá trình theo dõi, đôn đốc phát hiện đối tượng được kiểm tra có dấu hiệu tẩu tán tiền, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, tiêu hủy tài liệu, không hợp tác, cản trở hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác.

 Việc kiểm tra được thực hiện khi có quyết định kiểm tra của người có thẩm quyền ban hành kết luận kiểm tra. Quyết định kiểm tra phải được gửi cho người được giao nhiệm vụ kiểm tra và đối tượng được kiểm tra trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ký. Thời hạn kiểm tra việc thực hiện kết luận kiểm tra tối đa là 05 ngày làm việc, kể từ ngày bắt đầu kiểm tra (phức tạp, phạm vi kiểm tra rộng, thì thời hạn kiểm tra tối đa là 15 ngày, kể từ ngày bắt đầu kiểm tra). Chậm nhất là 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kiểm tra, người được giao nhiệm vụ kiểm tra có trách nhiệm báo cáo kết quả kiểm tra với người có thẩm quyền ban hành kết luận kiểm tra.

3.13. Tại Chương IV quy định về xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

Điều 22 liệt kê 19 hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; trong đó có các hành vi như: không thực hiện kết luận kiểm tra; thực hiện không đầy đủ, chính xác kết luận kiểm tra; không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt của cá nhân, tổ chức bị xử phạt; việc thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do cá nhân, tổ chức thực hiện; thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện kết luận kiểm tra.

Nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục và các nội dung khác có liên quan đến việc xử lý kỷ luật công chức, viên chức có hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật đối với công chức, viên chức.

Trong đó có xem xét yếu tố tăng nặng hoặc giảm nhẹ khi áp dụng hình thức kỷ luật như: thái độ tiếp thu, sửa chữa và chủ động khắc phục hậu quả của cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm; trong trường hợp thực hiện hành vi vi phạm do hoàn cảnh khách quan hoặc do lỗi của đối tượng vi phạm hành chính.

Nghị định quy định 06 hình thức xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tương ứng với các hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (từ Đ24 đến Đ29 Chương IV Nghị định), bao gồm:

- Khiển khách

- Cảnh cáo

- Hạ bậc lương

- Giáng chức

- Cách chức

- Buộc thôi việc

Ví dụ: công chức có hành vi không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt của cá nhân, tổ chức bị xử phạt; việc thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do cá nhân, tổ chức thực hiện thì bị xem xét, áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách (điểm b K1 Đ24). Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hành vi không thực hiện kết luận kiểm tra thì bị áp dụng hình thức kỷ luật giáng chức (Điều 27); …../.

PTP

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập33
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm31
  • Hôm nay3,443
  • Tháng hiện tại52,743
  • Tổng lượt truy cập2,605,768
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây