Đẩy mạnh chương trình ba khâu đột phá, thúc đẩy kinh tế phát triển

Thứ ba - 21/04/2015 15:12 105 0
Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X đã xác định: Phát triển nguồn nhân lực, cải cách hành chính và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông là ba khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2010-2015.

Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X đã xác định: Phát triển nguồn nhân lực, cải cách hành chính và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông là ba khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2010-2015. Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X, cấp uỷ Đảng, chính quyền Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các ban ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã triển khai, tổ chức thực hiện ba khâu đột phá và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển. Về nhận thức, hệ thống chính trị trên địa bàn đã quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X. Từ đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương và đội ngũ cán bộ, đảng viên có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của ba khâu đột phá trong tiến trình xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội, tăng cường quốc phòng an ninh và xây dựng hệ thống chính trị của địa phương. Với nhận thức đúng đắn và đầy đủ, các cấp các ngành tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ của mình đã có những chủ trương, giải pháp, bước đi phù hợp, sáng tạo nhằm góp phần đẩy mạnh thực hiện ba khâu đột phá. Quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện và Chương trình hành động của Huyện uỷ, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện đã ban hành Quyết định số 05/2011/QĐ-UBND ngày 27/4/2011 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X về “Phát triển nguồn nhân lực”, “Cải cách hành chính” và “ Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông” giai đoạn 2011-2015. Để triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện về ba khâu đột phá; UBND huyện đã thành lập các Ban Chỉ đạo trên từng lĩnh vực. Các Ban Chỉ đạo đã thực hiện tốt chức năng tham mưu giúp UBND huyện trong việc kiểm tra, đôn đốc tiến độ, kết quả, hiệu quả thực hiện ba khâu đột phá. Các phòng, ngành huyện, UBND các xã, thị trấn căn cứ chức năng nhiệm vụ và tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương để lập kế hoạch triển khai thực hiện. Do có sự chỉ đạo sâu sát, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện, nên các cơ quan, đơn vị, địa phương đã góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, cải cách hành chính và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện. Nguồn nhân lực đã được quan tâm phát triển theo hướng vừa nâng cao trình độ về mọi mặt, vừa nâng cao phẩm chất, năng lực thực tiễn để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CB, CC, VC, NLĐ) thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ, công việc được phân công. Trên cơ sở rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ CB, CC, VC, NLĐ, từng cơ quan, đơn vị, địa phương có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng tạo điều kiện thuận lợi cho CB, CC, VC, NLĐ nâng cao trình độ, năng lực. Hiện nay, trình độ chuyên môn của CB, CC, VC, NLĐ đang công tác tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn có 24 người có trình độ cao học, 1.107 người có trình độ đại học, 628 người có trình độ cao đẳng, 1.301 người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, 249 người có trình độ sơ cấp nghề. Để phát triển nguồn nhân lực lao động nông thôn; các ngành và các đoàn thể đã phối hợp tổ chức đào tạo nghề cho 2.541 lao động nông thôn, sau đào tạo có việc làm đạt 80%; đến cuối năm 2014 tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt 48,09%. Việc đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực đã góp phần nâng cao năng xuất, chất lượng, hiệu quả công tác, lao động, sản xuất và đây cũng là nhân tố thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010-2015, công tác cải cách hành chính đã được quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện; trong đó việc cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông được quan tâm đặc biệt. Huyện tiếp tục duy trì đạt chuẩn ISO 9001: 2008 đối với 11 thủ tục hành chính của huyện; đồng thời tổ chức triển khai xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001: 2008 đối với UBND các xã, thị trấn. Việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) ở các cơ quan ban ngành huyện và các xã, thị trấn đã có chuyển biến tích cực, nhận thức về vai trò công nghệ thông tin của các cấp, các ngành từng bước được nâng lên. Các phòng, ban, ngành huyện, UBND các xã, thị trấn quan tâm đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ có hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian. Việc triển khai ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước đang được triển khai thực hiện như: Thư điện tử, họp không giấy, văn phòng điện tử (eOffice), một cửa điện tử, cổng thành phần (http://duongminhchau.tayninh.gov.vn). Ngày 14 tháng 5 năm 2013, UBND huyện ban hành Quyết định số 1566/QĐ-UBND về việc kiện toàn Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại UBND huyện. Triển khai thực hiện thí điểm phần mềm một cửa điện tử ở 06 lĩnh vực (Nhà đất; đăng ký thế chấp, đăng ký kinh doanh; tư pháp; xây dựng; văn hóa; môi trường). Kết quả giải quyết hồ sơ cho tổ chức, cá nhân thông qua Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả: Tổng số hồ sơ cấp huyện tiếp nhận 43.161, tổng hồ sơ giải quyết 43.161. Cấp xã tiếp nhận 200.528 hồ sơ, đã giải quyết 200.487 hồ sơ, 41 hồ sơ đang trong thời gian giải quyết. Thông qua việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tinh thần, thái độ, tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ CB, CC, VC từng bước được nâng lên làm nền tảng xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, dân chủ, công khai minh bạch phục vụ tốt hơn cho nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và công dân, trong đó có các doanh nghiệp đến làm việc, liên hệ với cơ quan Nhà nước. Để phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông; trong những năm vừa qua huyện đã tranh thủ các nguồn vốn của trung ương, của tỉnh; đồng thời huy động nguồn vốn của địa phương, kết hợp với sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ giao thông, điện, thủy lợi, bưu chính viễn thông, hạ tầng đô thị, y tế và giáo dục. Với tổng số vốn 800 tỷ đồng, một số công trình trọng điểm đã và đang được xây dựng, có công trình đã đưa vào sử dụng như đường 781 đoạn cửa Hòa Viện- ngã 3 Suối Đá; đường Lòng Hồ- Kênh Đông, đường Phước Ninh- Cầu Khởi; đường 790 đoạn núi Bà Đen đến Xí nghiệp đá; 3 cây cầu trên đường 784; xây mới 4 trường chuẩn quốc gia và 7 trạm y tế; kiên cố hóa 36 trường học và một số tuyến kênh mương; đang xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại khu phố 4 Thị trấn; đầu tư hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới… Quá trình phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông đã làm cho thay đổi diện mạo của địa phương, đồng thời đáp ứng nhu cầu đi lại, mở rộng sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hoá, khám chữa bệnh, học tập của các tầng lớp nhân dân. Nhìn lại quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X nhiệm kỳ 2010-2015, mặc dù phải vượt qua không ít khó khăn, thách thức nhưng việc đẩy mạnh ba khâu đột phá đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Đã kịp thời rà soát, đánh giá đội ngũ CB, CC, VC, làm cơ sở để xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị. Phát huy được chương trình đào tạo, dạy nghề lao động nông thôn, cơ cấu lao động chuyển dịch đúng hướng, lao động có tay nghề tăng, lực lượng lao động khu vực công nghiệp tăng nhanh. Công tác cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông được quan tâm; việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước có bước chuyển biến tích cực; tinh thần, thái độ, tác phong, lề lối làm việc của CB, CC, VC từng bước được nâng lên. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện được quan tâm tập trung đầu tư có trọng điểm, tạo bước đột phá phát triển, từng bước đáp ứng được yêu cầu xây dựng và phát triển địa phương. Trong những năm tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục góp phần đẩy mạnh thực hiện ba khâu đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Đây chính là là tiền đề, là nhân tố quan trọng tạo nên sức hút để mời gọi các nhà đầu tư, đồng thời tạo nên sự đột phá, tăng tốc để xây dựng huyện Dương Minh Châu phát triển bền vững. Trần Văn To Phó Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập14
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm10
  • Hôm nay4,529
  • Tháng hiện tại110,249
  • Tổng lượt truy cập2,526,870
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây