Ngày 4.8, Đại hội Đảng bộ huyện Dương Minh Châu lần thứ XI chính thức khai mạc với 298 đại biểu được triệu tập, đại diện cho 2.431 đảng viên ở 57 chi, đảng bộ trực thuộc.
Đến dự có Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Minh Tân và lãnh đạo các ban Xây dựng Đảng, Mẹ Việt Nam Anh hùng…
Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang (bìa phải) tặng hoa chúc mừng Đại hội. |
Đại hội đánh giá, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ X, nhiệm kỳ 2010 – 2015, có 16/21 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đạt và vượt Nghị quyết. Nổi bật là tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 8,51% (cuối năm 2010) xuống còn 1,41% vào cuối năm 2014 (Nghị quyết giảm 2%/năm), trong đó hộ nghèo còn 228 hộ, cận nghèo 184 hộ, đã thực hiện thí điểm thành công Đề án xoá nghèo tại xã Bến Củi.
Dự thảo Báo cáo Chính trị của BCH Đảng bộ huyện cho biết, trong 5 năm qua, kinh tế huyện tiếp tục phát triển và đạt tốc độ tăng trưởng khá, chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, nhiều chỉ tiêu chủ yếu vượt Nghị quyết (NQ) đề ra.
Tổng giá trị sản xuất các ngành (giá 2010) tăng bình quân hằng năm 13,79% (NQ 11,49%). Cơ cấu ngành nông - lâm – thuỷ sản chiếm 36,36% (NQ 41,27%), công nghiệp - xây dựng chiếm 50,9% (NQ 29,46%), dịch vụ - thương mại chiếm 12,73% (NQ 29,27%).
Nông nghiệp phát triển tương đối ổn định, kinh tế nông thôn có bước chuyển dịch tích cực. Giá trị sản xuất tăng bình quân hằng năm 5,97%, chú trọng phát huy tiềm năng nguồn nước hồ Dầu Tiếng và điều kiện đất đai, thổ nhưỡng; ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ, đẩy mạnh cơ giới hoá sản xuất, định hình được một số khu vực chuyên canh mía, đậu phộng, mãng cầu; phát triển việc trồng và chế biến thảo dược.
Ngành chăn nuôi phát triển đa dạng gắn với nhu cầu thị trường, toàn huyện có 53 trang trại chủ yếu là chăn nuôi gia súc, gia cầm; nhân dân khai thác lợi thế nguồn nước kênh Đông, kênh Tây và các ao, bàu để nuôi cá và phát triển mới mô hình nuôi trồng thuỷ sản cho hiệu quả kinh tế khá.
Đại biểu biểu quyết thông qua danh sách Đoàn Chủ tịch trong phiên trù bị Đại hội ngày 3.8 |
Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện đạt kết quả bước đầu, đến nay đã có xã Bến Củi được công nhận, các xã còn lại đạt từ 10 - 14 tiêu chí.
Ngành công nghiệp - xây dựng tăng trưởng nhanh, công tác kêu gọi đầu tư có nhiều tiến triển, giá trị sản xuất tăng bình quân hằng năm 22,55%. Toàn huyện có 01 khu công nghiệp, 01 điểm công nghiệp tập trung, 729 cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Thương mại - dịch vụ tiếp tục phát triển, đáp ứng tốt hơn cho sản xuất và đời sống nhân dân. Giá trị sản xuất tăng bình quân hằng năm 13,41%.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn trong 5 năm đạt 475 tỷ đồng - vượt 99% chỉ tiêu NQ đề ra, tăng bình quân hằng năm 16,63%. Tổng thu ngân sách địa phương trong 5 năm đạt 1.499 tỷ đồng - vượt 102% NQ. Chi ngân sách địa phương đạt 1.430 tỷ đồng - tăng 92,4%.
Trong Chương trình phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giai đoạn 2011 - 2015, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, như: đường 781 đoạn cửa Hòa Viện - ngã 3 Suối Đá, đường Lòng Hồ - Kênh Đông, đường Phước Ninh - Cầu Khởi, đường 790 đoạn núi Bà Đen đến Xí nghiệp đá, xây mới 03 cầu trên đường 784…
Nguồn nhân lực huyện được ưu tiên đào tạo và phát triển, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên, cán bộ, công chức cấp huyện đảm bảo chuẩn về chuyên môn đạt 97,75%; cán bộ chuyên trách các xã, thị trấn đạt chuẩn về chuyên môn chiếm 89,83%, chuẩn về lý luận chính trị 90,67%.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng đảng hiện nay”, qua kiểm điểm, tập thể Ban thường vụ Huyện uỷ đã ghi nhận 34 hạn chế, khuyết điểm; cấp ủy chi, đảng bộ cơ sở ghi nhận 352 hạn chế, khuyết điểm;
2.089 đảng viên ghi nhận 3.119 hạn chế, khuyết điểm, không có trường hợp vi phạm đến mức phải xem xét xử lý kỷ luật. Đến cuối nhiệm kỳ, đa số tổ chức đảng, tập thể các cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên đã khắc phục những hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra qua kiểm điểm.
Công tác xây dựng tổ chức Đảng được quan tâm thực hiện, trong 5 năm qua đã phát triển 549 đảng viên mới - đạt 109,8%, đạt 2,25% so dân số (NQ 2%).
Tuy nhiên, BCH Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010 -2015 cũng nhìn nhận, trong 5 năm qua, vẫn còn 5/21 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu chưa đạt chỉ tiêu NQ đề ra. Kinh tế tăng trưởng khá nhưng thiếu tính bền vững, chưa phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch, tài nguyên, lao động;
Kết cấu hạ tầng tuy đã đầu tư xây dựng nhưng chưa theo kịp yêu cầu phát triển, nhất là hạ tầng giao thông; một số công trình xây dựng cơ bản chậm được đầu tư như đường 781 đoạn ngã ba Bờ hồ - Phước Minh, đường ngã 3 Đất sét - Bến Củi, bến xe huyện, chợ các xã, chợ đầu mối rau quả ở Bàu Năng, công viên cây xanh Thị trấn, các công trình thoát nước, nước sạch nông thôn…
Đoàn chủ tịch Đại hội. |
Hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước còn có mặt tồn tại, yếu kém trên các lĩnh vực văn hoá - thông tin, giáo dục đào tạo, y tế, quản lý đất đai, khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường. Cải cách hành chính chưa đồng bộ.
Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức còn có những hạn chế, một số cán bộ, công chức chưa thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao, trong tiếp dân chậm giải quyết hồ sơ, vẫn còn tình trạng hụt hẫng, thiếu cán bộ bố trí khi có yêu cầu, nhất là ở xã, thị trấn.
Công tác tư tưởng có lúc thiếu nhạy bén, nội dung, phương pháp chậm được đổi mới, nhất là ở cơ sở. Việc việc phát hiện dấu hiệu vi phạm còn chậm; công tác quản lý giáo dục đảng viên vẫn còn có mặt thực hiện chưa tốt, một số ít cán bộ đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện dẫn đến vi phạm Điều lệ Đảng, các nguyên tắc, quy định của đảng và pháp luật của Nhà nước đến mức phải xử lý kỷ luật… Trong nhiệm kỳ, vẫn còn tổ chức cơ sở Đảng yếu kém (2013: 2 chi bộ; 2014: 01 chi bộ).
Tại Đại hội, các đại biểu tiếp tục đóng góp cho dự thảo các văn kiện, đặc biệt là văn kiện trình Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI.
Dự thảo Báo cáo Chính trị nhấn mạnh, phương hướng của nhiệm kỳ 2015 – 2020 là cải thiện môi trường đầu tư, nhất là thủ tục hành chính, bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch; tạo điều kiện thuận lợi, môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện.
Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Đào tạo nguồn nhân lực cho nông thôn để thực hiện việc phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tập trung mọi nguồn lực khai thác các lợi thế, tiềm năng về lao động, đất đai, nguồn nước, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch trang trại, nghĩ dưỡng.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình hành động “ba khâu đột phá”, tăng cường đổi mới phương thức hoạt động của cả hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới.
Tác giả: Theo BTNO
Ý kiến bạn đọc