Làm thế nào để DVCTT đến với người dân?

Thứ năm - 18/11/2021 20:55 176 0
Đưa thành công các dịch vụ công (DVC) lên môi trường trực tuyến mới chỉ là tạo thêm một kênh để giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC). Các cơ quan, đơn vị cần có các giải pháp để người dân đến với kênh giải quyết TTHC trực tuyến, từ đó mới phát huy hiệu quả DVC trực tuyến (DVCTT).
Đưa thành công các dịch vụ công (DVC) lên môi trường trực tuyến mới chỉ là tạo thêm một kênh để giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC). Các cơ quan, đơn vị cần có các giải pháp để người dân đến với kênh giải quyết TTHC trực tuyến, từ đó mới phát huy hiệu quả DVC trực tuyến (DVCTT).

DVCTT được xem là nhiệm vụ hàng đầu nhằm phát triển chính phủ điện tử (CPĐT), hướng tới chính phủ số trong giai đoạn mới. Hiện nay, các địa phương đang rất quyết liệt triển khai đưa các DVCTT đủ điều kiện lên mức độ 4. Tuy nhiên, đưa thành công các DVC lên môi trường trực tuyến mới chỉ là tạo thêm một kênh để giải quyết các TTHC. Các cơ quan, đơn vị cần có các giải pháp để người dân đến với kênh giải quyết TTHC online, từ đó mới phát huy hiệu của của DVCTT.

Phấn đấu 100% DVC đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021

Ngày 19/4/2021, Bộ TT&TT ra Công văn số 1145/BTTTT-THH về việc hướng dẫn, đôn đốc xây dựng kế hoạch triển khai và hoàn thành mục tiêu cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021. Chính vì thế, các địa phương trên cả nước đang nỗ lực đưa các dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên mức độ 4 ngay trong năm 2021. Vĩnh Long là một trong những tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai và hoàn thành mục tiêu cung cấp 100% DVC đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long năm 2021. 

Ảnh: Bộ TT&TT đã có những hướng dẫn nhằm triển khai thành công DVCTT và các giải pháp đưa DVCTT đến với người dân

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long yêu cầu phải hoàn thiện Cổng DVC của tỉnh đáp ứng việc cung cấp DVCTT mức độ 4 thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh trong năm 2021. Việc triển khai DVCTT mức độ 4 sẽ tận dụng hệ thống CNTT sẵn có, chủ động bố trí, huy động nguồn lực tại chỗ để sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến của tất cả các TTHC; Hoàn thành việc nâng cấp các DVC mức độ 2 và mức độ 3 lên mức độ 4 trong năm 2021.

Ngoài Vĩnh Long, ngày 29/4 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã ban hành Quyết định số 620/QĐ-UBND phê duyệt Danh mục DVCTT mức độ 3, mức độ 4 thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị và địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; theo đó, đã tỉnh phê duyệt 414 DVCTT mức độ 3, 4 trong cơ quan nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh (trong đó có 90 DVCTT mức độ 4).

UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết tỉnh sẽ chỉ đạo triển khai quyết liệt và có hiệu quả để đảm bảo mục tiêu cung cấp 100% DVC đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021 theo đúng nội dung, phương pháp, hướng dẫn của Bộ TT&TT.

Giữa tháng 5 vừa qua, tại hội nghị trực tuyến toàn tỉnh sơ kết 5 năm thực hiện chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, bên cạnh việc công bố nghị quyết của Tỉnh ủy về chuyển đổi số, tỉnh Bình Phước cũng đã công bố 100% DVCTT mức độ 4 của tỉnh kết nối với Cổng DVC quốc gia.

DVCTT được xem là nhiệm vụ hàng đầu nhằm phát triển CPĐT, hướng tới chính phủ số trong giai đoạn mới. Chính vì vậy, các địa phương hiện đang rất quyết liệt triển khai đưa các DVCTT đủ điều kiện lên mức độ 4.

Những rào cản của DVCTT đối với người dân

Hạn chế về thiết bị công nghệ

Một trong những rào cản khiến người dân chưa mặn mà sử dụng DVCTT là thiết bị. Bởi vì, không phải người dân nào cũng có đủ thiết bị (điện thoại thông minh, laptop…) có thể kết nối và làm các thao tác trên máy nhằm thực hiện TTHC trực tuyến. Đặc biệt là những người dân ở nông thôn, hoặc những người lớn tuổi, những người ít tiếp xúc với công nghệ.

Những DVCTT dành cho doanh nghiệp (DN) thường được đón nhận nhiều hơn so với những DVCTT dành cho người dân. Lý do rất đơn giản là DN đã quen với các thiết bị công nghệ, với các dịch vụ trên mạng Internet, vì thế họ cũng dễ dàng tiếp cận và sử dụng các DVCTT hơn.

Mặc dù vậy, tỷ lệ người dân sở hữu smartphone tại Việt Nam đang ngày càng tăng cao, xếp thứ 10 trong top 10 quốc gia có lượng người sử dụng smartphone nhiều nhất thế giới tính đến thời điểm tháng 5/2021, theo thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường Statista.

Rào cản về thói quen, tâm lý

Tuy vậy, thiết bị công nghệ là một phần nhỏ trong những rào cản để người dân đến với DVCTT. Một rào cản lớn để DVCTT thực sự hữu ích, đến được với người dân đó là tâm lý truyền thống của người dân khi làm TTHC. Thông thường, người dân vẫn có thói quen đến trực tiếp cơ quan nhà nước để làm TTHC, với suy nghĩ "chắc chắn", và để được hỏi, hướng dẫn cụ thể các loại hồ sơ, giấy tờ liên quan. Hầu hết người dân ít khi có nhu cầu làm các TTHC, vì vậy khi có nhu cầu, họ thường đến thẳng cơ quan hành chính (CQHC) để làm, và cảm thấy an tâm hơn khi đến trực tiếp trụ sở CQHC để được hướng dẫn và thực hiện.

Chia sẻ  tới Tạp chí TT&TT, bà Đoàn Hồng Hạnh, giám đốc Sở TT&TT, cho rằng mặc dù người dân có tất cả các phương tiện để làm các TTHC online, nhưng họ vẫn có tâm lý truyền thống, in giấy tờ và gửi trực tiếp lên CQHC. Cái khó là cơ quan nhà nước để người dân "thay đổi thói quen", thấy  được lợi ích thật sự khi thực hiện DVCTT.

Để thay đổi thói quen, cần quyết tâm hướng dẫn người dân làm các thủ tục online, bà Hạnh nói: "CQHC có thể có nhiều cách để hướng dẫn người dân, như hướng dẫn trực tiếp trên môi trường online, hoặc giải đáp qua điện thoại khi người dân gọi điện đến, thậm chí khi người dân trực tiếp mang hồ sơ đến, cán bộ hành chính có thể hướng dẫn chi tiết về cách làm TTHC online, lợi ích của DVCTT và khả năng rút ngắn thời gian hoàn thành, để người dân có thể thực hiện online cho các lần sau".

Quy trình phức tạp sẽ khiến người dân ngại thao tác online

Đặc biệt, nếu DVCTT có quy trình đơn giản, dễ làm, dễ thao tác sẽ thu hút người dân sử dụng hơn. Những thủ tục với nhiều quy trình phức tạp sẽ khiến người dân bị rối, từ đó hạn chế sử dụng. Chính vì thế, cải thiện quy trình cung cấp DVCTT cũng là một bước để giúp người dân từng bước tiếp cận với cách làm mới.

Đây cũng chính là một vấn đề khiến việc triển khai DVCTT mức độ 4 đối với việc cấp, đổi giấy phép lái xe chưa được mở rộng trên toàn quốc sau thời gian thí điểm. Số lượng hồ sơ sơ cấp, đổi giấy phép lái xe trực tuyến cấp độ 4 quá thấp. Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), số lượng người dân tham gia đăng ký, hoàn thiện hồ sơ và đổi giấy phép lái xe trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia còn thấp. Tính đến hết tháng 4/2021, số hồ sơ cấp, đổi thành công trên Cổng DVC quốc gia chỉ có 10 hồ sơ.

Một trong những nguyên nhân khiến số hồ sơ cấp, đổi giấy phép lái xe trực tuyến mức độ 4 thấp là người dân phải thực hiện khá nhiều thao tác, như truy cập vào cổng DVC, sau đó đăng ký, nhận mã xác thực qua điện thoại di động. Người dân phải có số CMND hoặc CCCD cùng với số điện thoại chính chủ. Sau đó, còn phải tra cứu dữ liệu vi phạm pháp luật giao thông đường bộ, tra cứu dữ liệu sức khỏe…. Thậm chí, dù đã thanh toán trực tuyến lệ phí đổi giấy phép lái xe vào kho bạc, qua chức năng thanh toán của hệ thống DVCTT. Tuy nhiên, nếu đăng ký không thành công do hồ sơ chưa hợp lệ, việc hoàn trả lại tiền cũng mất nhiều thời gian. Những quy trình phức tạp như vậy sẽ khiến người dân không mặn mà với DVCTT.

Khó khăn về kết nối, chia sẻ dữ liệu

Cung cấp DVCTT, đặc biệt là các DVCTT mức độ 4 đòi hỏi việc kết nối, chia sẻ dữ liệu liên thông giữa các ban, ngành phải thật suôn sẻ. Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết khâu kết nối dữ liệu trong cấp, đổi giấy phép lái xe trực tuyến chưa được hiệu quả. Cụ thể, để thực hiện DVCTT cấp độ 4 đối với việc cấp, đổi giấy phép lái xe, Bộ GTVT phải phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an kết nối dữ liệu khám sức khỏe, dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Tuy nhiên, trong giai đoạn thí điểm chỉ có 3 bệnh viện tại Hà Nội và 8 bệnh viện, trung tâm y tế tại Hà Nam kết nối để kiểm tra khám sức khỏe và tích hợp mã khám sức khỏe điện tử trên cổng DVC Quốc gia.

Làm thế nào để người dân sử dụng DVCTT?

"Có DVCTT rồi, cần tăng tỷ lệ hồ sơ phát sinh. Nếu không, DVCTT chỉ là một kênh làm TTHC và nếu người dân không sử dụng, sẽ không đạt hiệu quả về cải cách TTHC, xây dựng CPĐT", Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Vĩnh Long nói và cho biết với công nghệ hiện nay, việc đưa các DVC lên môi trường trực tuyến là điều khả thi, song cần có tính áp dụng cao hơn nữa.

"Khi người dân đã hiểu rõ những tiện ích của DVCTT, có phương tiện công nghệ, họ sẽ dần dần thay đổi cách làm, thậm chí họ sẽ tuyên truyền cho anh em, họ hàng và hàng xóm. Như vậy, thói quen truyền thống của người dân sẽ dần dần thay đổi", lãnh đạo Sở TT&TT khẳng định.

Trong một bài phỏng vấn với Tạp chí TT&TT, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cũng cho rằng không có giải pháp nào bằng giải pháp phải hành động với tinh thần quyết liệt, đồng bộ và kiên trì. Người dân, DN cảm nhận được lợi ích thiết thực đối với mình khi tham gia các DVCTT.

Cần tập trung vào chất lượng thay cho số lượng DVCTT. Khi chúng ta tập trung vào chất lượng thì người dân sẽ có niềm tin, khi đã có niềm tin thì họ sẽ tin tưởng, sử dụng DVCTT nhiều hơn. Đó là tinh thần chung của các địa phương khi tiến hành triển khai, cung cấp DVCTT nhằm phát triển chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số.

Bộ TT&TT cũng đã có những hướng dẫn nhằm triển khai thành công DVCTT, trong đó có việc để người dân có thể sử dụng các DVCTT, cần tăng cường truyền thông và quảng bá hiệu quả về dịch vụ công trực tuyến để người dân, DN hiểu rõ hơn về lợi ích mang lại từ việc sử dụng DVCTT. Đặc biệt, địa phương cần chú trọng đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng thụ hưởng. Việc triển khai thực hiện công tác tuyên truyền DVCTT phải được thực hiện đồng bộ theo một chương trình tuyên truyền về cải cách hành chính chung.

Người dân trước nay vẫn có thói quen truyền thống là đến tận cơ quan hành chính để làm các TTHC cần thiết. Vì thế, việc thay đổi thói quen của công dân trong việc sử dụng DVC thông qua Trung tâm phục vụ hành chính công là một công việc quan trọng, để cung cấp cho người dân, DN những thông tin trực tuyến, dần dần từ bỏ phương thức liên hệ kiểu cũ với cơ quan nhà nước.

Để tuyên truyền hiệu quả và thay đổi thói quen của người dân, cần cung cấp đa dạng các kênh giao tiếp, giúp người dân, DN lựa chọn hình thức xử lý DVC phù hợp nhất. Từng bước tiến tới xác định Internet sẽ là kênh cung cấp dịch vụ chính cho công dân.

Thậm chí, dịch bệnh COVID-19 chính là một cơ hội để thay đổi dần thói quen làm TTHC của người dân. Do dịch bệnh, giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc, người dân được hướng dẫn kỹ về cách sử dụng DVCTT, họ sẽ làm khi có nhu cầu.

Vừa qua, một số tỉnh thành nơi có tình hình dịch COVID-19 phức tạp cũng đã thông báo tạm dừng giao dịch trực tiếp tại các bộ phận hành chính. Ở Bắc Giang, để phòng chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu tạm dừng giao dịch trực tiếp tại Bộ phận Một cửa tại các khu vực cách ly xã hội. Chủ tịch tỉnh khuyến khích người dân, DN sử dụng DVCTT trên Cổng DVC quốc gia, Cổng DVC tỉnh hoặc dịch vụ bưu chính công ích thông qua hệ thống Bưu điện để nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC tại nhà.

Long An cũng đã tiến hành tạm ngừng tiếp nhận hồ sơ nộp trực tiếp đối với các TTHC nộp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh từ 00 giờ ngày 02/6/2021. Thay vào đó, Trung tâm vẫn tiếp nhận hồ sơ trực tuyến đối với các TTHC qua DVCTT theo đường link https://dichvucong.longan.gov.vn/ hoặc gửi hồ sơ, nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích./.

 

Tác giả: theo ictvietnam.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập27
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm21
  • Hôm nay12,530
  • Tháng hiện tại104,826
  • Tổng lượt truy cập2,521,447
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây