Cũng giống như bao người phụ nữ Việt Nam chịu thương, chịu khó, cô Liêu Ngọc Liên (sinh năm 1958) – Tổ phó Tổ phụ nữ ấp Tân Định 2, xã Suối Đá, huyện Dương Minh trải qua nhiều năm tháng gian nan, vất vả mưu sinh và bắt đầu bén duyên với nghề chăn nuôi bằng sự đầu tư thông minh, cách nuôi khoa học, hiệu quả, giúp cô vượt qua khó khăn, thoát nghèo bền vững.
Năm 1990 Cô Liên vốn là một điều dưỡng viên tại một bệnh viện tại huyện Đức Hoà, tỉnh Long An, cô Liên từ bỏ công việc ổn định theo chồng về huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh lập nghiệp, sinh sống. Về đất người, không ai thân thích, hai vợ chồng cô chọn nghề trồng trọt để mưu sinh. Chưa có kinh nghiệm việc đồng án lại gặp nhiều lần nông sản mất giá, vợ chồng cô phải bán đất đai để trả nợ. Từ đó, hoàn cảnh gia đình rơi vào khó khăn, hai vợ chồng cô đi làm thuê, làm mướn kiếm sống, nuôi con.
Sau 20 năm mưu sinh vất vả nuôi con nên người, vợ chồng cô nhẹ bớt phần nào gánh nặng kinh tế khi hai con cô đã có công việc ổn đinh. Tuy nhiên, không muốn phụ thuộc kinh tế vào con cái và kiếm thêm thu nhập cho gia đình, năm 2010, cô dành dụm tiền mua vài chục con gà giống nuôi thả trong vườn nhà. Chưa có nhiều kinh nghiệm nuôi gà nên nhiều con bị mắc bệnh chết, năm đó cô bị lỗ vốn. Không nản, cô tiếp tục đầu tư mua gà giống về nuôi, đồng thời chủ động tham gia các khoá học về chăn nuôi gà của Hội Nông dân tại địa phương, trong và cả ngoài tỉnh để có thêm kiến thức, kinh nghiệm nuôi gà đúng quy trình.
Nhờ đức tính ham học hỏi, chịu thương chịu khó cô đã gầy được một trang trại gà nhỏ, từ nuôi vài chục con, đến vài trăm con rồi dần dần tăng số lượng nuôi đến gần 1000 con gà các loại, đem lại nguồn thu nhập kha khá cho gia đình. Trời chẳng thương cô, năm 2012, khi trại gà của cô chuẩn bị xuất chuồng thì dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát mạnh trên cả nước, tỉnh Tây Ninh cũng xuất hiện nhiều ổ dịch. Trại gà của cô bị lây bệnh từ trại gà gần nhà nên chết sạch. Năm đó, cô bị mất trắng 100 triệu đồng tiền đầu tư chuồng trại, gà giống, thức ăn cho gà,... Gia đình cô lại rơi cảnh khốn cùng phải cầm cố nhà cửa ra ngoài ở trọ.
Khó khăn chồng chất khó khăn, năm 2013, chồng cô phát bệnh tim cần phải phẫu thuật gấp. Nhà cửa không có, thu nhập bấp bênh, gia đình cô dường như rơi vào hoàn cảnh bế tắc. Không chịu thua số phận, để cứu chồng cô đi vay mượn khắp nơi và may mắn thay, cô được Ủy ban nhân dân xã Suối hỗ trợ vận động tiền để chồng cô nhập viện chữa trị. Đến ngày xuất viện thì hai vợ chồng cô thực sự trắng tay. Thấy hoàn cảnh gia đình cô Liên quá khó khăn, UBND xã Suối Đá công nhận gia đình cô là hộ nghèo của địa phương và hỗ trợ gia đình cô căn nhà đồng đội để gia đình có nơi sống ổn định.
“Biết ơn sự quan tâm, sẻ chia của địa phương, các đoàn thể lúc gia đình gặp khó khăn, cô tự nhủ mình phải cố gắng hết sức vượt qua giai đoạn khó khăn trở ngại này” – Cô Liên tâm sự. Nghĩ là làm, năm 2014, với kinh nghiệm nuôi gà sẵn có, cô Liên mạnh dạn vay vốn ngân hàng thuê đất xây chuồng trại, mua gà giống thả vườn từng bước gầy lại trại gà của mình.
Bằng sự thông minh và cần cù của mình, hai vợ chồng cô Liên đã cho xuất chuồng được hơn 500 con gà thả vườn. Từ tiền thu được, hai vợ chồng cô tiếp tục đầu tư xây chuồng, mua thêm gà giống để mở rộng trại gà. Để gà xuất chuồng liên tục, cô mua máy ấp trứng tự tạo gà giống và nuôi gối đầu liên tục, tháng nào cũng thêm vài trăm con gà giống. Sau nhiều năm gắn bó với nghề chăn nuôi gà thả vườn, vợ chồng cô Liên hiện đã có một trại gà hơn 1000m2 với 4 chuồng gà rộng rãi chứa hơn 1000 con gà thả vườn các loại. Mỗi tháng trại gà của cô đều cho xuất chuồng hơn 100 con gà mang về thu nhập ổn định cho gia đình từ 7 – 9 triệu đồng/ tháng. Cuối năm 2014, nhờ đó nguồn thu nhập từ chăn nuôi gà, cô đã giúp gia đình cô vươn lên thoát nghèo, tạo công việc ổn định cho hai vợ chồng cô.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi gà ngon, sản lượng thịt cao, cô Liên nói: “Cứ trung bình 4,5 tháng người ta xuất chuồng một lần, còn cô phải 6 tháng cô mới cho gà xuất chuồng. Vì xuất chuồng lúc 4,5 tháng gà chỉ mới vừa lớn chưa đủ trọng. Khi nuôi gà đủ lớn cô sẽ tập trung tăng trọng cho gà để thịt gà săn chắc và chất lượng hơn”. Nhờ kinh nghiệm nuôi đó, cô Liên có tiếng là người nuôi gà kỹ lưỡng nhất trong vùng, đến ấp Tân Định 2 ai cũng biết gà cô Liên nuôi thịt ngon nức tiếng.
Bên cạnh là một người phụ nữ giỏi làm kinh tế, cô Liên còn làm Tổ phó tổ phụ nữ ấp Tân Định 2, một hội viên phụ nữ của xã Suối Đá năng nổ, tích cực trong công tác hỗ trợ, chăm lo cho các chị em hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều năm qua, Cô Liên gắn bó với vị trí Tổ trưởng Tổ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã Suối Đá. Nhờ có cô, nhiều chị em hội viên phụ nữu đã được hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp, có thêm công việc, thêm nguồn thu nhập chăm lo cho cuộc sống.
Hơn thế nữa, năm 2016, với sẵn kinh nghiệm nghề may lành nghề, cô nhận hướng dẫn chị em trong hội, trong ấp may gia công tại nhà mình. Nhiều chị em đã được cô tận tay chỉ dạy và cô còn nhận hàng về phân chia cho các chị em may gia công kiếm thêm thu nhập.
Vừa qua, cô Liên mạnh dạn tham mưu Hội LHPN xã Suối Đá thành lập Tổ chăn nuôi gà của xã do cô làm tổ trưởng. Nói về lý do thành lập tổ, cô Liên nói: “Tôi muốn thành lập tổ chăn nuôi gà để các chị em hội viên thích nghề này có thể cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi và giúp đỡ nhau khi gặp khó. Riêng tôi, chỉ cần chị em cần giúp đỡ tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cũng như sự hiểu biết của mình về ngành nghề này. Đối với tôi, niềm vui chính là giúp đỡ nhau cùng vượt qua khó khăn”. Nhờ sự giúp đỡ của cô, ấp Tân Định 2 đã có hàng chục hộ gia đình nuôi gà thả vườn thành công, đem lại nguồn thu nhập khá ổn định cho chị em phụ nữ nói riêng và người dân trong ấp nói chung. Qua đó góp phần tạo việc làm cho người dân và nâng cao chất lượng thịt gà xuất ra thị trường tại địa phương.
Tác giả: Ngọc Bích
Ý kiến bạn đọc