(Nguồn: https://anninhthudo.vn/)
Khoản 2 Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.
Khoản 2 Điều 104 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: Cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà nội, ông bà ngoại; trường hợp ông bà nội, ông bà ngoại không có con để nuôi dưỡng mình thì cháu đã thành niên có nghĩa vụ nuôi dưỡng.
Do đó, khi con, cháu có hành vi ngược đãi như đánh đập, hành hạ ông bà, cha mẹ, thì tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể như sau:
* Xử phạt vi phạm hành chính:
Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, theo đó, hành vi hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình được quy định tại Điều 50 của Nghị định này như sau:
“1. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;
b) Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.”.
* Xử lý về hình sự:
Điều 185 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình như sau:
“1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.”.
Tác giả: PTP huyện
Ý kiến bạn đọc