Cho vay tiền không có giấy tờ có đòi được không?

Thứ tư - 24/05/2023 21:24 22.915 0
Cho vay tiền không có giấy tờ có đòi được không?
Cho vay tiền là giao dịch dân sự hết sức phổ biến hiện nay. Người ta có thể dễ dàng cho nhau vay một khoản tiền thông qua một cuộc nói chuyện, một vài tin nhắn hay một cuộc điện thoại... mà không cần giấy tờ ghi nợ.
1. Cho vay tiền có bắt buộc phải viết giấy ghi nợ không?
Cho vay tiền, tài sản là một trong những giao dịch dân sự phổ biến. Trong đó, hình thức của giao dịch dân sự quy định tại khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015:
1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
Bên cạnh đó, Điều 463 Bộ luật Dân sự cũng quy định về hợp đồng vay tài sản như sau:
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Như vậy, pháp luật không quy định bắt buộc hình thức của hợp đồng vay tài sản phải thể hiện bằng văn bản nhưng tốt nhất là khi cho vay nên ghi giấy nợ.
2. Cho vay tiền không có giấy tờ có đòi được không?
Như đã phân tích, pháp luật hiện không bắt buộc hình thức của hợp đồng vay tài sản phải thể hiện bằng văn bản. Do đó, nếu cho vay tiền không có giấy tờ nhưng được thể hiện qua lời nói, hành vi hay tin nhắn, mail… thì pháp luật vẫn công nhận và bảo vệ.
Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp việc vay tiền đều hợp pháp. Mặc dù có thể không cần thể hiện thông qua văn bản, giấy tờ nhưng thỏa thuận vay nợ bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự:
- Do những người có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự thực hiện;
- Các bên vay và cho vay phải hoàn toàn tự nguyện;
- Mục đích và nội dung thỏa thuận vay nợ không vi phạm điều cấm, không trái đạo đức xã hội, không bị lừa dối, không nhằm che giấu cho một giao dịch khác…
Theo quy định trên, nếu đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của một giao dịch dân sự thì việc thỏa thuận vay nợ giữa các bên dù không có giấy vay nợ thì vẫn hợp pháp và người cho vay hoàn toàn có thể đòi nợ người vay.
3. Làm cách nào đòi được nợ khi không có giấy tờ vay?
Đầu tiên, bên cho vay vẫn nên đàm phán, thỏa thuận với bên vay về việc trả nợ trước. Nếu bên vay vẫn phớt lờ, cố tình không trả nợ thì lúc này bên cho vay có thể khởi kiện ra Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.
Cụ thể, khi làm thủ tục kiện đòi nợ, bên cho vay cần chuẩn bị hồ sơ gồm:
- Đơn khởi kiện.
- Bản sao chứng thực Giấy tờ tùy thân như Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, hộ chiếu…
- Các tài liệu, chứng cứ chứng minh việc cho vay.
Về chứng cứ chứng minh tồn tại giao dịch vay tiền, Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:
Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:
1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử;
2. Vật chứng;
3. Lời khai của đương sự;
4. Lời khai của người làm chứng;
5. Kết luận giám định;
6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ;
7. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản;
8. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập;
9. Văn bản công chứng, chứng thực;
10. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.
Như vậy, để chứng minh được việc cho vay thì chủ nợ phải thu thập các chứng cứ như bản ghi âm lại lời nói hay có sự xác nhận từ người đi vay qua email, tin nhắn điện thoại, phương tiện điện tử khác... Tất cả những điều này đều có là căn cứ quan trọng để Tòa án ra phán quyết.
Lưu ý, bên cho vay chỉ nên đòi nợ bằng thỏa thuận hoặc khởi kiện ra Tòa án và không được dùng vũ lực, đe dọa hay bắt giữ trái pháp luật bên vay.
Nếu thực hiện các hành vi xâm phạm đến thân thể, sức khỏe của người khác để đòi nợ, rất có thể bên cho vay sẽ bị xử phạt hành chính hoặc tệ hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự.
4. Bên vay bỏ trốn để khất nợ, có bị phạt?
Trong trường hợp bên vay có thể trả nợ nhưng không trả mà cố tình dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản thì có thể tố giác người này về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Căn cứ Điều 30 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự sẽ được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự.
Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 175 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù có thời hạn đến 20 năm tùy theo mức độ vi phạm.

Tác giả: Quản trị, PTP

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập7
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm6
  • Hôm nay3,295
  • Tháng hiện tại69,740
  • Tổng lượt truy cập2,698,951
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây