Liên quan đến vấn đề này, trong phiên họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật vào sáng nay (16/7), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định “Việt Nam luôn kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng sức mạnh tổng hợp và các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế; yêu cầu Trung Quốc không tái diễn hành vi đặt trái phép giàn khoan trên thềm lục địa của Việt Nam”.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng không quên nhắc nhở: “Bảo vệ chủ quyền là nhiệm vụ thiêng liêng, đòi hỏi chúng ta phải thường xuyên, liên tục chủ động và kiên quyết đấu tranh với mọi hành vi xâm phạm; đồng thời đoàn kết một lòng, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và tăng cường tiềm lực mọi mặt của đất nước”. Giàn khoan 981 có ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng những vấn đề nó khơi lên vẫn còn ở đó, buộc chúng ta phải tiếp tục đấu tranh, cả trên mặt trận ngoại giao lẫn trong chiến lược lâu dài về kinh tế.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã yêu cầu Trung Quốc không tái triển khai giàn khoan trái phép vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, để tạo dựng và đảm bảo an ninh trên Biển Đông.
Có thể thấy, tin Trung Quốc tuyên bố dời giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam dù sao cũng là tin tốt lành bởi chúng ta đã nhiều lần lên tiếng buộc Trung Quốc phải làm như thế. Thế nhưng, ngẫm nghĩ một cách thấu đáo hơn mới thấy việc Trung Quốc chuyển giàn khoan Hải Dương 981 trước thời hạn 15/8 có thể chỉ là một mắt xích trong các dự tính của nước này ở Biển Đông, và chúng ta vẫn cần cảnh giác với “những giàn khoan khác”.
Lúc 6h sáng nay, Trung Quốc cho biết giàn khoan đi được 37 hải lý về căn cứ Nam Á ở đảo Hải Nam. Tuy nhiên đến giờ chúng ta vẫn chưa thể khẳng định Trung Quốc rút hẳn giàn khoan, biết đâu họ di chuyển đi rồi di chuyển lại thì sao.
Có thể lúc này Trung Quốc di chuyển giàn khoan để tránh cơn bão đang vào Hoàng Sa như họ đã nói. Nhưng có thể điều nằm trong chiến thuật của Trung Quốc, tức là không đẩy sự việc đến tận cùng của xung đột, khi căng thẳng nhất, có thể xảy ra va chạm thì Trung Quốc sẽ xuống thang. Nhưng không có nghĩa Trung Quốc sẽ dừng ở đó, mà sẽ đợi cơ hội khác.
Những hành vi tương tự sẽ có thể tiếp tục xảy ra trong tương lai gần. Nếu Việt Nam không có chiến lược đối phó hiệu quả, hoặc cộng đồng quốc tế không có tiếng nói kiên quyết thì cái đích Trung Quốc đang nhắm tới vẫn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Chúng ta nên đặt vấn đề việc di chuyển giàn khoan chưa phải là hành động cuối cùng cho thấy Trung Quốc từ bỏ tham vọng ở Biển Đông, chỉ là một bước đi chiến thuật của Trung Quốc?.
Ý kiến bạn đọc