Dương Minh Châu điểm đến của nhà đầu tư

Thứ hai - 30/05/2016 16:47 103 0
Dương Minh Châu là huyện nông nghiệp nông thôn, thời tiết khá thuận lợi, ít chịu ảnh hưởng của bão lụt, ngập úng hay hạn hán nghiêm trọng, địa bàn tiếp giáp với hồ Dầu Tiếng - Phước Hoà- nguồn cung cấp nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, đồng thời cũng là một thắng cảnh có khả năng thu hút du lịch.
Dương Minh Châu là huyện nông nghiệp nông thôn, thời tiết khá thuận lợi, ít chịu ảnh hưởng của bão lụt, ngập úng hay hạn hán nghiêm trọng, địa bàn tiếp giáp với hồ Dầu Tiếng - Phước Hoà- nguồn cung cấp nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, đồng thời cũng là một thắng cảnh có khả năng thu hút du lịch. 

 

 

Một góc hồ Dầu Tiếng trên địa bàn huyện Dương Minh Châu.

Huyện Dương Minh Châu có diện tích khoảng 606,46km². Phía Tây giáp thành phố Tây Ninh, phía Bắc giáp huyện Tân Châu, phía Nam giáp huyện Gò Dầu, phía Đông giáp 2 tỉnh Bình Dương, Bình Phước. Huyện có 1 thị trấn và 10 xã. Tổng dân số là 128.061 người, số người trong độ tuổi lao động là 73.918 người (số liệu năm 2015).

Là căn cứ địa cách mạng trong 2 thời kỳ kháng chiến chống xâm lược, huyện Dương Minh Châu đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng với 6 xã, đơn vị: Chà Là, Cầu Khởi, Phước Ninh, Lộc Ninh, Bến Củi, Suối Đá và Ban An ninh huyện (Công an huyện ngày nay). Huyện có hơn 60 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 558 liệt sĩ, 392 thương binh và hơn 6.000 gia đình có công với nước.

Về mặt kinh tế, Dương Minh Châu là huyện nông nghiệp nông thôn, thời tiết khá thuận lợi, ít chịu ảnh hưởng của bão lụt, ngập úng hay hạn hán nghiêm trọng, địa bàn tiếp giáp với hồ Dầu Tiếng - Phước Hoà- nguồn cung cấp nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, đồng thời cũng là một thắng cảnh có khả năng thu hút du lịch. Dương Minh Châu có lợi thế phát triển các cây trồng công nghiệp, nguồn nước nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, dịch vụ du lịch sinh thái, phát triển công nghiệp vừa và nhỏ.

Huyện nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gần trục đường Xuyên Á, đường Hồ Chí Minh và giáp ranh với tỉnh Bình Dương, điều kiện cơ sở hạ tầng khá thuận lợi, là cửa ngõ của thành phố Tây Ninh, có nguồn lực lao động dồi dào, tỷ lệ lao động trong độ tuổi cao, cơ cấu dân số trẻ. Tăng trưởng kinh tế của huyện Dương Minh Châu trong những năm qua có xu hướng tăng nhanh trong giai đoạn bước đầu hình thành và phát triển các khu công nghiệp, điểm công nghiệp. Việc ứng dụng các phương pháp mới, mô hình mới trong phát triển nông nghiệp đã được người dân trong huyện tiếp cận, tiếp thu và đưa vào sản xuất.

Tuy nhiên, về tổng quan, cơ cấu kinh tế chủ đạo của Dương Minh Châu đến năm 2015 vẫn phụ thuộc phần lớn vào kinh tế nông nghiệp; còn mang nhiều nét tự phát, chưa hình thành các mô hình sản xuất tập trung mang tính liên kết, hỗ trợ nhau trong quá trình phát triển. Kinh tế phát triển thiếu tính bền vững, tiềm năng, lợi thế trên từng lĩnh vực chưa được phát huy, kết cấu hạ tầng chưa theo kịp yêu cầu, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật - công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, việc quản lý tài nguyên, môi trường thiếu chặt chẽ.

Về mặt xã hội, mức sống người dân gia tăng trong những năm gần đây, nhất là từ những năm 2010. Hệ thống giáo dục, y tế, văn hoá về cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập, khám, chữa bệnh, vui chơi giải trí của người dân. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề phải quan tâm; một số vấn đề xã hội bức xúc chậm giải quyết dứt điểm; công tác giảm nghèo thiếu bền vững, đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn; khoảng cách giàu, nghèo chậm được thu hẹp.

Với những ưu ái của địa lý và thiên nhiên, Dương Minh Châu là thủ phủ của nhiều loại đặc sản Tây Ninh, đó là mãng cầu, là ổi, ốc núi, thằn lằn núi, cá lăng hồ Dầu Tiếng, ba ba, vịt trời…

Theo quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của huyện đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, huyện Dương Minh Châu sẽ thực hiện danh mục dự án trọng tâm như: phát triển hành lang thương mại, dịch vụ dọc tuyến đường 781 - hồ Dầu Tiếng - rừng lịch sử; các khu du lịch như du lịch sinh thái đảo Nhím, xã Suối Đá với quy mô 286 ha, du lịch sinh thái – rừng lịch sử -  ấp Phước An xã Phước Ninh quy mô 50 ha, du lịch sinh thái (Bàu Me) tại xã Lộc Ninh; đình Bàu Dinh, xã Truông Mít; đầu tư mở rộng, phát triển các khu cụm công nghiệp như khu công nghiệp Chà Là từ 54 ha mở rộng lên 200 ha; cụm công nghiệp Bến Củi 100 ha; các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Phước Ninh, Phước Minh; xây dựng chợ đầu mối nông sản cầu K13; quy hoạch xây dựng trung tâm thương mại chợ huyện quy mô 2 ha; quy hoạch trung tâm thương mại đa chức năng tại khu tam giác ấp Ninh Hoà, xã Bàu Năng quy mô 10 ha vv…vv…

Để có thể phát huy lợi thế và tiềm năng của địa phương, toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Dương Minh Châu đang tập trung mọi công sức, trí tuệ nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, hướng tới phát triển bền vững. Địa phương cũng sẵn sàng dành mọi ưu ái, tạo mọi điều kiện tốt nhất để chào đón các nhà đầu tư đến với vùng đất nhiều triển vọng hứa hẹn cho sự vươn mình trong một tương lai không xa.

Tác giả: BTNO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập11
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm9
  • Hôm nay2,632
  • Tháng hiện tại56,466
  • Tổng lượt truy cập2,609,491
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây