CĂN CỨ LÁNG - CHÀ LÀ (HUYỆN DƯƠNG MINH CHÂU) ĐƯỢC CÔNG NHẬN DI TÍCH CẤP TỈNH

Thứ bảy - 01/01/2022 09:37 862 0
CĂN CỨ LÁNG - CHÀ LÀ (HUYỆN DƯƠNG MINH CHÂU) ĐƯỢC CÔNG NHẬN DI TÍCH CẤP TỈNH
Căn cứ Láng – Chà Là trong 2 thời kỳ kháng chiến là khu căn cứ rộng lớn, rừng liên hoàn, sông suối, bàu, đìa tạo thành thế trận, hiểm trở (ngày nay bao gồm các xã Phước Minh, Phước Ninh, Láng – Chà Là).
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Căn cứ Láng - Chà Là là nơi đóng quân, căn cứ chiến đấu của Chi đội 11 - là lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh Tây Ninh vào tháng 4 năm 1946, đến năm 1948 phát triển thành Trung đoàn 311; năm 1951, sau khi Tiểu đoàn 306 của tỉnh thành lập cũng tiếp tục căn cứ Láng làm nơi đứng chân hoạt động làm cho đến năm 1954 kết thúc cuộc kháng chiến.
Trong những năm đấu tranh bảo vệ hòa bình 1955 – 1959, căn cứ Láng – Chà Là là nơi Tỉnh ủy Tây Ninh, Huyện ủy Dương Minh Châu nương náu làm nơi bảo vệ an toàn cơ sở Đảng, tránh sự truy sát của địch, lãnh đạo quần chúng đấu tranh chính trị chống lại Luật 10/59 của địch.
Từ năm 1965 – 1968, căn cứ là nơi tạm dừng chân, nơi giấu quân củng cố lực lượng, huấn luyện của các đơn vị Q761, Q762, Q763, công Trường 9, Q16 (Trung đoàn 16) - quân giải phóng miền Nam.
Từ năm 1968 - 1974, căn cứ là nơi Đoàn hậu cần 82 đặt kho trạm, bảo đảm lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu cho các đơn vị Quân giải phóng miền Nam trong các chiến dịch tổng tấn công năm 1968, năm 1972 và chuẩn bị cho tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Đây là vùng căn cứ có tuyến đường giao liên các đoàn cán bộ, các lực lượng của Trung ương cục, tỉnh, các huyện đi xuống địa bàn và liên thông với các căn cứ cách mạng ở Trảng Bàng, Gò Dầu về tận Củ Chi – Sài Gòn.
Đối với phong trào cách mạng ở địa phương, từ năm 1960 đến ngày quê hương giải phóng năm 1975, Căn cứ Láng là nơi lãnh đạo phong trào kháng chiến của Chi bộ xã Chà Là.
Trong 2 thời kỳ kháng chiến chống xâm lược, Căn cứ Láng – Chà Là được xác định là cửa ải tiền tiêu, là nơi án ngự đường vào trung tâm căn cứ Dương Minh Châu. Vì thế, địch đã dùng nhiều loại vũ khí đánh phá ác liệt nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng của ta ở vùng ven căn cứ. Nơi đây, đã ghi nhận nhiều chiên công hiển hách của dân và quân căn cứ Dương Minh Châu và xã Chà Là, có thể nêu một số trận đánh tiêu biểu sau:
- Trong kháng chiến chống Pháp: Giữa tháng năm 1952, nhằm tiêu diệt đầu não chỉ huy cách mạng ở miền Nam, thực dân Pháp đã mở cuộc hành quân lớn huy động 20 tiểu đoàn tiến đánh vào căn cứ Dương Minh Châu. Tại căn cứ Láng - Chà Là, dân quân địa phương đã chặn đánh 6 tiểu đoàn quân Pháp với hơn 6 ngàn quân càn vào căn cứ, tiêu diệt nhiều sinh lực địch góp phần bẽ gãy cuộc càn hành quân lớn nhất của thực dân Pháp vào căn cứ Dương Minh Châu. Căn cứ Láng – Chà Là còn được ghi nhận diễn ra các cuộc họp quan trọng của Ban Quân sự miền Đông nhằm triển khai phương án chiến đấu và tổ chức thắng lợi các trận đánh nổi tiếng của dân quân Dương Minh Châu đánh chiếm đồn điển Bến Củi, chi khu Dầu Tiếng trong năm 1957 nhằm giải quyết khó khăn về tài chính, lương thực cho lực lượng miền và địa phương đóng trên địa bàn và đây cũng là trận đánh rút kinh nghiệm để đi đến chiến thắng Tua Hai năm 1960 mở đầu phong trào Đồng Khởi của miền Đông Nam Bộ.
- Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, căn cứ Láng - Chà Là là nơi diễn ra nhiều trận đánh lịch sử của dân và quân Dương Minh Châu, tiêu biểu là bẽ gãy cuộc càn Át - tơn - bơ - rơ, cuộc càn lớn nhất của Mỹ - ngụy vào căn cứ Dương Minh Châu:
. Trận đánh vào ngày 8/10/1966, Đội bảo vệ căn cứ Láng phối hợp với Đại đội 31 Dương Minh Châu và đoàn Hậu cần 82 đã chặn đánh quyết liệt Lữ đoàn 196 Mỹ, loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục tên địch.
. Trận đánh ngày 15/10/1966, Đội bảo vệ căn cứ Láng – Chà Là, Đại đội 31 Dương Minh Châu cùng lực lượng bảo vệ Đoàn Hậu cần 82 đã kịch chiến với hàng trăm lính Mỹ và đẩy lùi hàng chục đợt tiến công của quân Mỹ.
. Trận đánh ngày 10/3/1967, phá sập cầu nhỏ làm ách tắc giao thông địch. Trận phục kích chống quân địch đi càn bằng mìn định hướng, diệt 20 tên Mỹ.
- Căn cứ Láng – Chà Là cũng ghi nhận đã có nhiều đồng chí lãnh đạo, chỉ huy từ Trung ương cục, Bộ chỉ huy Miền, tỉnh Tây Ninh và huyện Dương Minh Châu đã đến căn cứ Láng - Bàu Chanh - Phước Hiệp, đã tạo dấu ấn sâu đậm trong cán bộ chiến sĩ bảo vệ căn cứ trong những năm chiến đấu ác liệt với giặc Mỹ và tay sai.
- Trong suốt hai cuộc chiến tranh, vùng căn cứ này là nơi ta dự trữ nguồn lực hậu cần, kho súng đạn vũ khí, nơi ta “rèn cán, luyện binh”, nơi thuận lợi cho lực lượng ta xuất phát đánh địch trong các ấp chiến lược, đồn bót địch trên các trục lộ giao thông, là nơi có thế trận lợi hại để chiến đấu tiêu diệt, tiêu hao địch khi chúng tiến công vào căn cứ, là nỗi ám ảnh của Mỹ - ngụy mỗi khi di chuyển ngang qua đường 26 (nay là đường 784).
Trong suốt 2 thời kỳ kháng chiến, dù khó khăn, gian khổ, hy sinh, quân dân huyện Dương Minh Châu và xã Chà Là vẫn quyết tâm vượt qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng giao: bảo vệ an toàn vành đai vùng căn cứ địa cách mạng góp phần cùng cả nước hoàn thành thắng lợi sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Từ những thành tích đặc biệt xuất sắc đó, Đảng bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân huyện Dương Minh Châu và xã Chà Là được nhà nước tuyên dương Anh hùng vào ngày 20/12/1994.

Tác giả: UBND xã Chà Là

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập91
  • Hôm nay1,614
  • Tháng hiện tại50,914
  • Tổng lượt truy cập2,603,939
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây