Xã Phan là xã nông thôn mới thuộc huyện Dương Minh Châu, vị trí nằm ở phía nam của huyện Dương Minh Châu, cách trung tâm huyện 4km. Diện tích tự nhiên của xã là 2.479,52 ha (năm 2020). Dân số toàn xã là 7.360 người với 2.132 hộ gia đình, chia thành 62 tổ dân cư tự quản. Trong đó, có khoảng 85% dân số sống bằng nghề nông nghiệp, còn lại là tiểu thủ công nghiệp, buôn bán nhỏ và kinh doanh các dịch vụ khác.
Về tôn giáo: Trên địa bàn xã có 01 thánh thất, 01 điện thờ phật mẫu của tôn giáo Cao Đài, hàng năm được công nhận cơ sở tín ngưỡng tôn giáo văn minh, với 3.269 tín đồ (Trong đó: 4 chức sắc, 85 chức việc). Tình hình đời sống của đồng bào có đạo ổn định, tu hành thuần túy theo đúng quy định của pháp luật, các cơ sở thực hiện tốt phương châm sống tốt đời đẹp đạo, tích cực tham gia công tác an sinh xã hội tại địa phương.
1. Lịch sử hình thành và phát triển
Đất Phan ngày trước được biết đến với tên gọi là xóm Phan rất ít người sinh sống, chủ yếu là rừng rậm, hoang sơ và có rất nhiều thú dữ như cọp, voi, beo, gấu, trăn, rắn, …
Xóm Phan lúc bấy giờ thuộc xã Chơn Bà Đen, xã Chơn Bà Đen bao gồm các vùng Phan, Suối Đá, một phần của vùng Ninh Thạnh (Bàu Năng, Ninh Lợi).
Tuy nhiên, dưới chế độ tay sai Mỹ - chính quyền Ngô Đình Diệm - năm 1959 đặt thêm quận Phú Khương, xã Phan chúng đặt lại thành ấp Phan; làng Phước Hội thuộc quận Phú Khương.
Về phía cách mạng đến tháng 5 năm 1951, huyện căn cứ Dương Minh Châu được thành lập, huyện vùng Phan thuộc xã Chơn Bà Đen. Đến tháng 3 năm 1952, xã Chơn Bà Đen giải thể vùng Phan trở thành Xã Phan tồn tại đến ngày nay.
2. Vị trí địa lý - Tự nhiên
Ngày nay, xã Phan là xã nông thôn mới thuộc huyện Dương Minh Châu, vị trí nằm ở phía Nam của huyện Dương Minh Châu, cách trung tâm huyện 4km và tiếp giáp với các đơn vị hành chính sau:
+ Phía Đông giáp xã Phước Ninh;
+ Phía Tây giáp với xã Bàu Năng, Ninh Sơn;
+ Phía Nam giáp với xã Chà Là;
+ Phía Bắc giáp với xã Suối Đá.
Trụ sở ủy ban nhân dân xã đứng chân trên địa bàn ấp Phước Tân 3.
Bảng đồ hành chính xã Phan - huyện Dương Minh Châu (năm 2023)
Khí hậu: Khu vực quy hoạch nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của các yếu tố khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo. Tính chất chung là nóng, ẩm, không có mùa đông lạnh. Trong năm, khí hậu chia thành hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô kéo dài từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.
Nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình năm 26,9°C. Chế độ nhiệt ít biến động qua các tháng trong năm. Chênh lệch nhiệt độ trung bình giữa tháng nóng nhất là lạnh nhất khoảng 3,7°C.
Mưa: Lượng mưa khá lớn, trung bình 1.600 – 1.900 mm/năm, phân bố không đều trong năm. Lượng mưa trong mùa khô ít nhưng tính chung trong năm lượng mưa và lượng bốc hơi gần ngang nhau nên dẫn đến hiện tượng xảy ra hạn hán vào cuối mùa khô.
Nắng: Số giờ nắng khá cao, dao động trung bình từ 2.700 - 2.800 giờ/năm. Vào mùa khô, số giờ nắng cao hơn, trung bình 8 - 9 giờ/ngày; vào mùa mưa số giờ nắng trung bình từ 6 -7 giờ/ngày.
Độ ẩm không khí: Độ ẩm không khí tương đối cao, trung bình từ 82 - 83%; cực đại có thể tới 86-87%. Mùa mưa độ ẩm không khí thường cao hơn mùa khô từ 10 - 20%.
Gió: Có hai loại gió là gió mùa khô và gió mùa mưa, phù hợp với chế độ trong khu vực. Chế độ gió mùa khô có hướng Bắc - Đông Bắc; chế độ gió mùa mưa thổi theo hướng Tây - Tây Nam. Tốc độ gió bình quân 1,7m/s.
Địa hình: Khu vực nghiên cứu có nền địa hình tương đối cao. Một số khu vực có độ dốc địa hình không đều tạo thành các vệt trũng cục bộ ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước tự nhiên.
Thủy văn: Rạch Tây Ninh có chức năng hỗ trợ tưới tiêu nông nghiệp và thoát nước tự nhiên.
3. Di tích lịch sử cấp tỉnh - Căn cứ Suối Môn
Địa chỉ: Ấp Phước Long 2, xã Phan, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh
Trên địa bàn xã Phan hiện có Căn cứ Suối Môn là căn cứ địa cách mạng, nằm trong quần thể “Di tích lịch sử và Thắng cảnh núi Bà Đen” đã được công nhận tại Quyết định số 100-VH/QĐ ngày 21/01/1989 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Căn cứ Suối Môn được khoanh vùng bảo vệ thuộc Khu vực I của Di tích trên thực địa thửa đất số 144, tờ bản đồ số 44 với diện tích 2.000m2. Dự kiến trong thời gian tới căn cứ Suối Môn được Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh phân bổ nguồn vốn tôn tạo, phục dựng Căn cứ Suối Môn là nơi để giáo dục lý tưởng cách mạng cho tuổi trẻ, ôn lại truyền thống hào hùng của ông cha đi trước, từ đó truyền lửa nhiệt huyết cho thế hệ trẻ quyết tâm phát huy truyền thống cách mạng, kiên cường, bất khuất của ông cha.
4. Kinh tế - Xã hội
Về giao thông: xã có tuyến đường 781 đi qua thuận lợi cho việc giao lưu, vận chuyển hàng hoá của địa phương trong và ngoài tỉnh. Từ khi đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 đến nay, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống đại bộ phận nhân dân được nâng lên, hoạt động văn hoá - xã hội ngày càng khởi sắc; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Hệ thống chính trị cơ sở thường xuyên được củng cố, hoạt động đạt hiệu quả.
Về trồng trọt, chăn nuôi: Trên địa bàn xã có 03 trang trại chăn nuôi gà lạnh với số lượng trên 40.000 con và 01 trang trại chăn nuôi bò. Hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng tưới một phần diện tích sản xuất nông nghiệp thuộc ấp Phước Tân 2, Phước Long 1.
Về công nghiệp, thương mại, dịch vụ: Trên địa bàn xã có 12 công ty, doanh nghiệp tư nhân góp phần phát triển kinh tế cũng như giải quyết việc làm cho người lao động địa phương. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển chưa nhiều, chủ yếu là các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ với các ngành nghề chủ yếu như: hàn tiện, may mặc, làm bún, sản xuất bánh tráng...; 03 đại lý vật tư nông nghiệp, 57 cơ sở kinh doanh và có 01 điểm chợ phục vụ nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân. Mạng lưới bưu chính, dịch vụ viễn thông và Internet ngày càng phát triển, 01 Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.
Về văn hóa, xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân:
+ Công tác đảm bảo an sinh xã hội luôn được quan tâm, hàng năm các tổ chức mạnh thường quân trong và ngoài xã trao tặng quà cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn… Giới thiệu, hỗ trợ nhân dân được vay vốn từ ngân hàng chính sách huyện, các nguồn vốn từ chương trình Mục tiêu Quốc Gia, tạo vốn sản xuất, chăn nuôi; Giới thiệu giải quyết việc làm cho người dân; mở lớp đào tạo nghề từ đó góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã. Thực hiện đảm bảo chế độ, chính sách, cấp phát tiền cho các đối tượng đảm bảo đúng quy định. Đến đầu năm 2024, trên địa bàn xã còn 08 hộ nghèo chuẩn trung ương; 02 hộ cận nghèo chuẩn trung ương (10 hộ/42 nhân khẩu), chiếm tỷ lệ 0,13%; Hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh còn 142 hộ/501 nhân khẩu, tỷ lệ 1,94%.
+ Chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên, số học sinh lên lớp đạt tỷ lệ theo kế hoạch đề ra. Trên địa bàn xã có 02 điểm trường bao gồm: trường Mầm non xã Phan và trường TH&THCS xã Phan (riêng điểm khối tiểu học được công nhận đạt chuẩn quốc gia về giáo dục năm 2008). Hàng năm huy động trẻ 5 tuổi ra lớp Lá, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%, tỷ lệ học sinh được xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và tốt nghiệp THCS đạt 100%. Đa số giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp theo Luật Giáo dục năm 2019. Một số giáo viên đang học nâng chuẩn theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính Phủ, tỷ lệ học sinh bỏ học không vượt quá chỉ tiêu.