PHẢI LÀM CHO NGƯỜI DÂN THẤY LỢI ÍCH CỦA VIỆC SẢN XUẤT NÔNG SẢN SẠCH

Chủ nhật - 28/07/2019 15:00 155 0
UBND tỉnh giao cho ngành Nông nghiệp cùng các ngành liên quan chuẩn bị đề xuất hạng mục công trình cho dự án vay vốn giai đoạn 2021- 2025 của ADB nhằm nâng cao năng lực chuỗi giá trị rau quả, cây ăn trái trên địa bàn tỉnh

UBND tỉnh giao cho ngành Nông nghiệp cùng các ngành liên quan chuẩn bị đề xuất hạng mục công trình cho dự án vay vốn giai đoạn 2021- 2025 của ADB nhằm nâng cao năng lực chuỗi giá trị rau quả, cây ăn trái trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến nay, tổng diện tích chuyển đổi cây trồng từ cây kém hiệu quả như cao su, mía, mì sang các loại cây ăn trái tiềm năng và có giá trị cao như nhãn, sầu riêng, bưởi da xanh, mít, dứa... đạt 2.642 ha, nâng tổng diện tích chuyển đổi lên đến 3.417 ha. Thời gian qua, tỉnh rất quan tâm sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn VietGAP. Có thể nói, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi chất lượng ngày càng cao, thì việc sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn GAP là hướng đi phù hợp và cần thiết.

Quan tâm chất lượng

Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng sản xuất nông nghiệp bền vững là định hướng của tỉnh. Ông Kiều Tuấn Kiệt- Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất bưởi da xanh Tân Châu (huyện Tân Châu) cho biết, hiện nay, trái cây theo tiêu chuẩn GAP ngày càng được chú trọng nhằm nâng cao giá trị và tạo thuận lợi trong xuất khẩu. Từ khi tổ liên kết đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nên trái cây bán ra thị trường với giá ổn định.

Ông Lê Văn Hải (xã Trường Hoà, huyện Hoà Thành) cho biết, hiện nay, huyện Hoà Thành có diện tích trồng nhãn da bò nhiều nhất trong tỉnh. Tuy nhiên, người trồng nhãn đang vất vả với bệnh chổi rồng làm giảm năng suất và chất lượng trái, dẫn đến thương lái thu mua với giá thấp. Trước tình hình này, ông Hải đã áp dụng phương thức sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 3 ha của gia đình. Sau thời gian thử nghiệm nhiều cách về xử lý cho cây ra bông và chăm không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật... cuối cùng, ông Hải đã thành công và sản phẩm ra thị trường đạt chất lượng, mẫu mã đẹp, bán giá cao.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Ngọc Điệp (xã Trường Đông, huyện Hoà Thành), từ khi canh tác theo quy trình VietGAP, vườn sầu riêng hơn 1 ha phát triển tốt và cho năng suất cao, mẫu mã đẹp nên giá bán cao hơn trước.

Chú trọng hỗ trợ nông dân

Ông Lâm Văn Tính- Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, trước đây, ngành Nông nghiệp tập trung hỗ trợ VietGAP trên cây rau, củ, quả. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trong quá trình cơ cấu lại nền nông nghiệp, diện tích cây ăn trái có giá trị kinh tế tăng nhanh.

Đến nay, Tây Ninh có 20.437 ha đất trồng cây ăn trái, tăng 14,5% so với năm 2017. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, trong năm 2018, có 9 vùng trồng cây ăn trái được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP và Công ty TNHH Lefarm đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, với diện tích 425,2 ha, gồm các loại cây trồng như bưởi da xanh, chuối già Nam Mỹ, dứa, mãng cầu, cam, quýt, sầu riêng... Ngoài ra, trong thời gian qua, đã có 32 cơ sở sản xuất rau với diện tích gần 200 ha, có 303 hộ dân tham gia sản xuất được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Tính cho biết thêm, sau thời gian đạt tiêu chuẩn GAP thì nông dân phải được “tái công nhận”. Vì vậy, để duy trì chất lượng VietGAP trên sản phẩm đã được chứng nhận, cán bộ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật xuống tận cơ sở định kỳ 3 tháng/lần để kiểm tra, hướng dẫn nông dân tiếp tục sản xuất đúng quy trình. Trường hợp sản xuất sai quy trình sẽ bị thu hồi lại giấy chứng nhận.

Theo Sở NN&PTNT, để tăng diện tích sản xuất cây ăn trái và rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ triển khai thực hiện kế hoạch hỗ trợ chứng nhận GAP cho nông dân trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh với diện tích 700 ha. Đồng thời, ngành Nông nghiệp sẽ hỗ trợ, tuyên truyền, vận động để người dân sử dụng các loại giống cây trồng có chất lượng phẩm cấp, sản xuất theo đơn hàng của doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất là phải cho người dân nhận thấy lợi ích của việc sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp hữu cơ để chủ động sản xuất.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đang giao cho ngành Nông nghiệp cùng các ngành liên quan chuẩn bị đề xuất hạng mục công trình cho dự án vay vốn giai đoạn 2021- 2025 của ADB nhằm nâng cao năng lực chuỗi giá trị rau quả, cây ăn trái trên địa bàn tỉnh. Các hạng mục dự án đang được các ngành quan tâm là dự án đầu tư chợ đầu mối; dự án đầu tư trung tâm dịch vụ - kỹ thuật - thiết bị - vật tư nông nghiệp; dự án đầu tư qua chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao và hỗ trợ cơ giới hoá cho ngành hàng rau quả, cây ăn trái.

Có thể thấy, định hướng sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn nông nghiệp tốt VietGAP sẽ giúp nông sản Tây Ninh vươn xa.

Tác giả: Theo Báo TN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập17
  • Hôm nay3,589
  • Tháng hiện tại52,889
  • Tổng lượt truy cập2,605,914
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây