Quá trình thực thi các chính sách liên quan đến liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ, có nhiều thủ tục hành chính được quy định cụ thể, rõ ràng, qua đó đã tao điều điện thuận lợi cho nhiều thân nhân liệt sĩ được thụ hưởng kịp thời các chính sách, chế độ ưu đãi của Nhà nước. Cụ thể nhất là thủ tục quy định về thăm viếng mộ liệt sĩ và di chuyển hài cốt liệt sĩ được quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 03/6/2014 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình đối với người có công với cách mạng và thân nhân; quản lý các công trình ghi công liệt sĩ; Thông tư số 101/2018/TT-BTC ngày 14/11/2018 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành lao động - thương binh và xã hội quản lý.
* Đối với Quy định về thăm viếng mộ Liệt sĩ:
Tại Điều 64, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định như sau:
“1. Thân nhân liệt sĩ hoặc người thờ cúng liệt sĩ được hỗ trợ khi thăm viếng mộ liệt sĩ trong nước đối với các trường hợp sau:
a) Mộ liệt sĩ có đầy đủ thông tin đang an táng tại nghĩa trang liệt sĩ;
b) Trường hợp liệt sĩ chưa xác định được mộ cụ thể trong nghĩa trang liệt sĩ nhưng có tên trong danh sách quản lý của nghĩa trang;
c) Liệt sĩ có thông tin địa phương nơi hy sinh ghi trong giấy báo tử hoặc theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy báo tử.
2. Thân nhân liệt sĩ (không quá ba người) hoặc người thờ cúng liệt sĩ khi thăm viếng mộ liệt sĩ được Nhà nước hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn mỗi năm một lần.”
Để thực hiện việc thăm viếng mô Liệt sĩ và hưởng chế độ hỗ trợ, thân nhân Liệt sĩ thực hiện theo trình tự và thủ tục sau ( hướng dẫn tại Điều 17 Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 03/6/2014 ):
Bước 1: Người đi thăm viếng mộ liệt sĩ gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tại địa phương nơi quản lý hồ sơ gốc của liệt sĩ các giấy tờ sau:
- Đơn đề nghị thăm viếng mộ liệt sĩ (mẫu số 11-MLS);
- Bản sao giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ hoặc bản sao Bằng Tổ quốc ghi công;
- Một trong các giấy tờ sau:
+ Giấy báo tin mộ liệt sĩ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc giấy xác nhận mộ liệt sĩ của cơ quan quản lý nghĩa trang liệt sĩ nơi an táng mộ liệt sĩ đối với trường hợp mộ liệt sĩ có đầy đủ thông tin;
+ Giấy xác nhận của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đối với trường hợp chưa xác định được mộ cụ thể trong nghĩa trang liệt sĩ nhưng có tên trong danh sách quản lý của nghĩa trang;
+ Giấy báo tử ghi thông tin địa phương nơi liệt sĩ hy sinh hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy báo tử đối với trường hợp mộ liệt sĩ chưa quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ.
Bước 2: Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 01 ngày làm việc có trách nhiệm xác nhận vào đơn đề nghị thăm viếng mộ liệt sĩ;
Bước 3: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, có trách nhiệm kiểm tra và cấp giấy giới thiệu đi thăm viếng mộ liệt sĩ (mẫu số 03-GGT).
Trường hợp giấy tờ nộp không hợp lệ thì trong thời gian 03 ngày làm việc phải gửi văn bản trả lời nêu rõ lý do kèm toàn bộ giấy tờ đã nộp cho người đứng đơn để hoàn thiện theo quy định.
Bước 4: tại nơi quản lý mộ hoặc nơi có thông tin hy sinh của liệt sĩ, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ giấy giới thiệu có trách nhiệm xác nhận về việc thăm viếng mộ liệt sĩ.
Bước 5: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi cấp giấy giới thiệu đi thăm viếng mộ liệt sĩ căn cứ vào xác nhận về việc thăm viếng mộ để thực hiện chi hỗ trợ tiền đi lại, tiền ăn cho thân nhân liệt sĩ (không quá ba người) hoặc người thờ cúng liệt sĩ trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được các giấy tờ hợp lệ theo quy định.
Mức hỗ trợ thăm viếng mộ Liệt sĩ được quy định tại Điều 12 Thông tư số 101/2018/TT-BTC ngày 14/11/2018:
Thân nhân liệt sĩ (không quá ba người) hoặc người thờ cúng liệt sĩ được cơ quan LĐTBXH cấp giấy giới thiệu đi thăm viếng mộ liệt sĩ trong nước được hỗ trợ một lần tiền tàu xe và tiền ăn (bao gồm cả lượt đi và về), mỗi năm một lần đối với một liệt sĩ. Mức hỗ trợ theo đơn giá 2.000 đồng/km nhân với khoảng cách từ nơi cấp giấy giới thiệu đến nghĩa trang có mộ liệt sĩ hoặc địa phương nơi liệt sĩ hy sinh nhưng tối đa không quá 2.400.000 đồng/người;
Ví dụ: Gia đình Bà Lê Thị Bé là thân nhân của 01 liệt sĩ được cơ quan LĐTBXH cấp giấy giới thiệu đi thăm viếng mộ liệt sĩ. Gia đình Bà Lê Thị Bé được hỗ trợ một lần tiền ăn và tiền tàu xe tối đa 03 người. Khoảng cách từ nơi cấp giấy giới thiệu đến nghĩa trang có mộ liệt sĩ hoặc địa phương nơi liệt sĩ hy sinh là 900 km. Gia đình Bà Lê Thị Bé được hỗ trợ một lần tiền ăn và tiền tàu xe cho cả lượt đi và về là 5.400.000 đồng ((2.000 đồng x 900 km) x 3 người = 5.400.000 đồng).
* Quy định về di chuyển hài cốt Liệt sĩ:
Tại Điều 65, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định như sau:
“1. Mộ liệt sĩ có đầy đủ thông tin an táng trong nghĩa trang liệt sĩ được di chuyển theo nguyện vọng của thân nhân hoặc người thờ cúng liệt sĩ.
2. Nhà nước hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn đối với thân nhân liệt sĩ hoặc người được thân nhân liệt sĩ ủy quyền hoặc người thờ cúng liệt sĩ (không quá ba người) khi di chuyển hài cốt liệt sĩ; hỗ trợ kinh phí cất bốc và di chuyển hài cốt liệt sĩ.
3. Không hỗ trợ kinh phí di chuyển hài cốt liệt sĩ đối với những trường hợp đã được di chuyển theo nguyện vọng của thân nhân hoặc người thờ cúng liệt sĩ.”
Trình tự và thủ tục di chuyển hài cốt Liệt sĩ được hướng dẫn tại Điều 19 Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 03/6/2014 :
1. Tại nơi quản lý hồ sơ gốc của liệt sĩ:
a) Thân nhân hoặc người thờ cúng liệt sĩ có nguyện vọng di chuyển hài cốt liệt sĩ gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các giấy tờ sau:
- Đơn đề nghị di chuyển hài cốt liệt sĩ (mẫu số 12-MLS) có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú;
- Bản sao giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ hoặc bản sao Bằng “Tổ quốc ghi công”;
- Một trong các giấy tờ sau: giấy báo tin mộ liệt sĩ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc giấy xác nhận mộ liệt sĩ của cơ quan quản lý nghĩa trang liệt sĩ nơi an táng mộ liệt sĩ;
Trường hợp người di chuyển hài cốt liệt sĩ không phải là thân nhân hoặc người thờ cúng liệt sĩ thì phải có thêm giấy ủy quyền của thân nhân liệt sĩ hoặc người thờ cúng liệt sĩ.
b) Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 01 ngày làm việc có trách nhiệm xác nhận vào đơn đề nghị di chuyển hài cốt liệt sĩ.
c) Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn di chuyển hài cốt liệt sĩ có trách nhiệm cấp giấy giới thiệu di chuyển hài cốt liệt sĩ (mẫu số 03-GGT).
Trường hợp giấy tờ nộp không hợp lệ thì trong thời gian 03 ngày làm việc phải gửi văn bản trả lời nêu rõ lý do kèm toàn bộ giấy tờ đã nộp cho người đứng đơn để hoàn thiện theo quy định.
2. Tại nơi quản lý mộ liệt sĩ:
a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ các giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều này để giải quyết việc di chuyển hài cốt liệt sĩ;
b) Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:
- Phối hợp với Ban quản lý nghĩa trang liệt sĩ hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã (trường hợp không có Ban quản lý nghĩa trang liệt sĩ) lập biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ (mẫu số 13-MLS);
- Lưu giấy đề nghị di chuyển hài cốt liệt sĩ, biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ;
- Lập Phiếu báo di chuyển hài cốt liệt sĩ (mẫu số 14-MLS) để gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc của liệt sĩ và nơi an táng hài cốt liệt sĩ (đối với trường hợp hài cốt liệt sĩ sau di chuyển không an táng tại địa phương đang quản lý hồ sơ gốc) kèm theo biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ.
3. Tại nơi đón nhận và an táng hài cốt liệt sĩ:
a) Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm:
- Tổ chức lễ đón nhận và an táng hài cốt liệt sĩ;
- Xác nhận việc an táng mộ liệt sĩ do gia đình quản lý theo nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ hoặc người thờ cúng liệt sĩ (mẫu số 15-MLS).
b) Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm lưu Phiếu báo di chuyển hài cốt liệt sĩ do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý mộ chuyển đến trong hồ sơ quản lý mộ liệt sĩ.
Mức hỗ trợ di chuyển hài cốt Liệt sĩ được quy định tại Điều 13 Thông tư số 101/2018/TT-BTC ngày 14/11/2018 :
a) Hỗ trợ tiền tàu xe và tiền ăn đối với thân nhân liệt sĩ hoặc người được thân nhân liệt sĩ uỷ quyền hoặc người thờ cúng liệt sĩ (không quá ba người), được hỗ trợ một lần tiền tàu xe và tiền ăn (bao gồm cả lượt đi và về), mỗi năm một lần đối với một liệt sĩ. Mức hỗ trợ theo đơn giá 2.000 đồng/km nhân với khoảng cách từ nơi cấp giấy giới thiệu đến nghĩa trang có mộ liệt sĩ hoặc địa phương nơi liệt sĩ hy sinh nhưng tối đa không quá 2.400.000 đồng/người;
b) Hỗ trợ kinh phí cất bốc và di chuyển một bộ hài cốt liệt sĩ: Mức chi 4.000.000 đồng;
c) Đối với hài cốt liệt sĩ mà thân nhân liệt sĩ hoặc người thờ cúng liệt sĩ có nguyện vọng giữ lại xây cất phần mộ tại nghĩa trang dòng họ do gia đình quản lý (không đưa vào nghĩa trang liệt sĩ): Hỗ trợ theo quy định mục a) và b) nêu trên đồng thời hỗ trợ tiền xây vỏ mộ liệt sĩ theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP là 2.500.000 đồng/ vỏ mộ.