Theo Phòng Nông nghiệp huyện Dương Minh Châu, ở xã Phước Minh và Phước Ninh, vị trí dự kiến chuyển đổi cơ cấu cây trồng là vùng đất đen, trũng thấp, bị ngập nước trong mùa mưa. Hiện các vùng này trồng 1 vụ mì vào mùa khô và 1 vụ lúa vào mùa mưa nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Còn ở khu vực dự kiến chuyển đổi cây trồng xã Truông Mít, Lộc Ninh, những năm gần đây nông dân trồng lúa kém hiệu quả, cây đậu phộng giá cả bấp bênh trong khi giá công lao động, vật tư tăng cao. Do đó, nông dân có xu hướng và nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng rất lớn.
Riêng ở xã Lộc Ninh có khoảng 500 ha nhãn tiêu da bò và các cây ăn trái khác. Còn xã Truông Mít, qua điều tra sơ bộ của Phòng Nông nghiệp, diện tích đất trồng cây ăn trái, cây công nghiệp khoảng 2.500 ha trên các loại đất có mục đích sử dụng là đất lúa, cây lâu năm, hằng năm khác. Trong đó, có khoảng 1.200 ha đất trồng nhãn, còn lại là cao su và một số cây ăn trái khác.
Ðịnh hướng của huyện Dương Minh Châu là sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây ăn trái trên vùng đất lúa kém hiệu quả ở 4 xã Truông Mít, Lộc Ninh, Phước Minh, Phước Ninh với tổng diện tích khoảng 3.500 ha. Sắp tới, huyện sẽ tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng theo đúng định hướng, khuyến khích người dân trồng cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để sau này phát triển du lịch sinh thái trên những vùng này.
Các loại cây ăn trái được định hướng sản xuất ở vùng này gồm nhãn, thanh long, sầu riêng, mãng cầu xiêm, khóm… Trong đó, tập trung phát triển cây nhãn ở xã Truông Mít, Lộc Ninh; khóm ở xã Phước Minh, Phước Ninh. Riêng cây nhãn ở xã Truông Mít, Lộc Ninh hiện nay chủ yếu là nhãn tiêu da bò, chất lượng còn thấp. Do đó, Sở NN&PTNT có định hướng chuyển đổi qua một số giống nhãn chất lượng cao như nhãn xuồng (cơm vàng), nhãn Ido.
Tác giả: PNNPTNN
Ý kiến bạn đọc