Hàng năm vào đầu mùa mưa các loài nấm sinh sôi phát triển mạnh, nhất là vùng nông thôn, những nơi có tán cây ẩm thấp. Đáng chú ý hiện nay trên địa bàn huyện Dương Minh Châu nói chung, Khu Di tích lịch sử- Văn hóa kháng chiến DMC nói riêng (ấp Phước An xã Phước Ninh), nhiều người đổ xô về đây tìm hái, nhổ nấm rừng.
Theo Bác sĩ Huỳnh Ngọc Bảnh- Giám đốc Trung tâm y tế huyện Dương Minh Châu. Trong gần 2 năm qua mặc dù trên địa bàn huyện chưa có vụ ngộ độc nấm xảy ra, song mọi người cần hết sức chú ý cảnh giác thực hiện theo khuyến cáo của ngành y tế: Không ăn nấm rừng và nấm mọc tự nhiên khi không biết đó là nấm độc hay nấm không độc. Kiểm tra nấm thật kỹ trước khi nấu và biết chắc chắn nấm ăn được mới được ăn, tuyệt đối không ăn nấm lạ.
Còn nhớ trước đó vào cuối tháng 5.2018 trên địa bàn xã Phước Ninh đã xảy ra một vụ ngộ độc nấm, dẫn đến 4 người trong gia đình phải nhập viện, trong đó đứa trẻ (CHV) 4 tuổi phải chuyển Bệnh viện Nhi đồng 2(TP.HCM) và đã tử vong, số người còn lại may mắn sống sót.
Lưu ý:
Bên cạnh những loài nấm ăn được, có không ít loài nấm độc và cực độc. Nhìn chung các loài nấm đa dạng về hình dáng và màu sắc nhưng đều chứa các độc tố rất dễ nhầm lẫn với nấm ăn được.
Người bị ngộ độc nấm thường có biểu hiện khó chịu, nôn ra thức ăn lẫn máu; đau bụng từng cơn, có khi đau dữ dội, đi ngoài nhiều lần có mùi tanh hôi, đôi khi lợn cợn máu; toàn thân mệt mỏi, thân nhiệt hạ, khát nước, có khi nổi mẩn ngứa, trụy mạch, tụt huyết áp, người tái xanh; khó thở, phế quản bị co thắt; nếu ngộ độc nặng (khi ăn phải nấm có chất độc muscarin) thì biểu hiện nhanh sau khi ăn, rối loạn thần kinh, co giật, mê sảng hoặc hôn mê, người tím tái, có thể tử vong trong vòng 2-3 giờ.
Tác giả: Hoa Hiệp
Ý kiến bạn đọc