Các đơn vị khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng phải chấp hành nghiêm các theo các nội dung quy định của giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng; giấy phép hoạt động của phương tiện thủy nội địa, tuân thủ đúng quy trình khai thác, độ sâu…
Các đơn vị khai thác cát trong khu vực lòng hồ Dầu Tiếng được hoạt động khai thác cát từ 7 giờ đến 17 giờ hàng ngày từ ngày 1.2.2021 ( ảnh minh họa)
Trước đây do mực nước hồ Dầu Tiếng xuống thấp, nhằm bảo đảm chất lượng nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, tưới tiêu. Các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa đã có cuộc họp với doanh nghiệp khai thác cát và đi đến thống nhất, các đơn vị khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng phải giảm thời gian khai thác. Theo đó, các đơn vị này chỉ được khai thác cát trong khu vực hồ Dầu Tiếng bắt đầu từ 7 giờ đến 12 giờ hàng ngày.
Nhìn chung các đơn vị khai thác cát đã chấp hành đúng nội dung tinh thần cuộc họp. Tuy nhiên, đến cuối mùa mưa năm 2020, khi mực nước hồ Dầu Tiếng dâng cao trở lại, các đơn vị khai thác cát kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét cho doanh nghiệp được hoạt động khai thác cát trọn vẹn trong ngày, nhằm bảo đảm quyền lợi cho đơn vị và sản lượng khai thác được duyệt.
Theo ông Trần Quang Hùng – Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa, căn cứ vào nội dung cuộc họp ngày 27.1.2021 giữa Tổng cục Thủy lợi với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa và các đơn vị được cấp phép khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng về tình hình nguồn nước, giải pháp quản lý hoạt động khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng.
Theo đó, kế từ ngày 1.2.2021, cho phép các đơn vị khai thác cát thực hiện trở lại theo công suất và thời gian quy định của giấy phép (từ 7 giờ đến 17 giờ hàng ngày) cho đến khi mực nước hồ Dầu Tiếng xuống dưới cao trình +20m (dự kiến vào khoảng tháng 5, 6 và 7.2021), trừ trường hợp nước hồ Dầu Tiếng có nguy cơ ô nhiễm.
Các đơn vị khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng phải chấp hành nghiêm các theo các nội dung quy định của giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng; giấy phép hoạt động của phương tiện thủy nội địa, tuân thủ đúng quy trình khai thác, độ sâu…
Ông Trần Quang Hùng cho biết thêm, để bảo đảm chất lượng nguồn nước hồ Dầu Tiếng phục vụ cấp nước cho các tỉnh về nước sinh hoạt, tưới tiêu, sản xuất công nghiệp, cũng như việc phát triển đa mục tiêu hồ Dầu Tiếng.
Trong thời gian tới, về phía Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Phước Hòa – Dầu Tiếng, với tư cách là đơn vị quản lý hồ nước, Công ty sẽ phối hợp chắt chẽ với tổ liên ngành các địa phương kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật đối với các hoạt động khai thác cát trong hồ chứa, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp quy định về khai thác cát trong hồ.
Đặc biệt, khi mực nước hồ Dầu Tiếng xuống dưới cao trình +22m, Công ty sẽ tăng cường lấy mẫu phân tích để kiểm tra, đánh giá chất lượng nước trong hồ, kịp thời báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định.
Tác giả: Theo BTNO
Ý kiến bạn đọc